Phát hiện nhóm hoạt chất có tính kháng vi khuẩn tụ cầu vàng  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Hình 1: Vi khuẩn tụ cầu vàng Staphyloccocus aureus (chụp bằng kính hiển vi điện tử). Nguồn: Wikipedia

Staphylococcus aureus  (S. aureus – vi khuẩn tụ cầu vàng/ tụ cầu khuẩn) là một chủng vi khuẩn thường gặp trên da hoặc niêm mạc mũi của 30% những người khỏe mạnh. Trong trường hợp này, vi khuẩn thường không gây hại và biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, khi da bị tổn thương, trầy xước, tụ cầu khuẩn xâm nhập cơ thể và có thể gây ra một loạt các vấn đề từ nổi mụn nhẹ đến nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt là ở trẻ em, người già, và những người có hệ miễn dịch yếu.

Hầu hết các chủng tụ cầu ban đầu nhạy cảm với kháng sinh nhóm beta-lactam như penicillin, methicillin. Tuy nhiên, song hành cùng với việc sử dụng kháng sinh là sự phát triển các chủng vi khuẩn đề kháng kháng sinh dưới áp lực chọn lọc tự nhiên. Việc sử dụng tràn lan và lạm dụng các loại thuốc kháng sinh, nhất là ở các nước đang phát triển như Việt Nam càng đẩy nhanh tốc độ chọn lọc và xuất hiện của các chủng kháng thuốc. Tình trạng kiểm soát nhiễm trùng chưa đạt tiêu chuẩn, điều kiện vệ sinh và  các phương pháp xử lý thực phẩm không phù hợp càng tạo điều kiện phát tán các chủng vi khuẩn đề kháng này. Hiện nay, các chủng đề kháng methicillin (gọi tắt là MRSA), một kháng sinh được coi là mạnh nhất trong nhóm beta-lactam đã phát triển một cách đáng lo ngại, nhất là trong các trường hợp nhiễm trùng tại bệnh viện.

Bệnh nhân trong phần lớn các trường hợp nhiễm trùng MRSA nghiêm trọng được điều trị với phác đồ kết hợp hai hoặc nhiều loại kháng sinh vẫn có hiệu quả chống MRSA như vancomycin, linezolid, rifampin, sulfamethoxazole – trimethoprim. Tuy nhiên, phác đồ điều trị thường kéo dài từ 7-10 ngày tại nhà hoặc nhập viện. Trong trường hợp nặng, kháng sinh sẽ được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch. Với phác đồ dài như vậy, người bệnh hoặc thân nhân có thể quên mất liều thuốc, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển tính đề kháng mới. Vì vậy, việc nghiên cứu và phát triển các kháng sinh mới là rất cần thiết.

Hình 2: Biểu hiện viêm da do nhiễm trùng MRSA: một vùng sưng đỏ nhỏ, nốt ấy hay giống như nhọt (có mủ). Vùng này thường đỏ, đau, sưng và ấm nóng khi sờ vào, có thể chảy dịch. Nguồn: Webmd

Vừa qua, các nhà nghiên cứu hoá dược tại đại học kỹ thuật Virginia đã khám phá ra một nhóm hoạt chất mới có khả năng tiêu diệt MRSA. Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Hoá dược học (Medicinal Chemistry Communications). Cấu trúc nhóm hoạt chất này bao hàm một phần là các kim loại như iridium hoặc cobalt có hoạt tính kháng S. aureus và MRSA rất mạnh: MIC = 4 μg/mL, MBC = 8 μg/mL và tiêu diệt 99% vi khuẩn S. aureus trong vòng 6 giờ. (MIC: Minimum inhibition concentration – nồng độ ức chế tối thiểu, MBC: Minimum bactericidal concentration – nồng độ tiêu diệt tối thiểu). Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy các hoạt chất này không gây độc cho tế bào, không gây tán huyết mà thể hiện tính chọn lọc đối với vi khuẩn. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu thêm cơ chế hoạt động của nhóm hoạt chất này và tiến hành thử nghiệm trên chuột cũng như trên tế bào người.  

Hình 3: Cấu trúc nhóm hoạt chất (M: kim loại, R: các nhóm thế). Nguồn: Karpin et al., 2015 (Med. Chem. Comm.)

 

Biên tập: Hoa Phan, Nghiên cứu sinh Đại học Michigan, Bang Michigan, Hoa Kỳ

Tài liệu tham khảo:

1. Karpin J. W., Morris D. M. et al. 2015. Transition metal diamine complexes with antimicrobial activity against Staphylococcus aureus and methicillin-resistant S. aureus (MRSA), Med. Chem. Comm. 6, 1471-1478
3. http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/ss/slideshow-closer-look-at-mrsa

 

---

Cập nhật: 06/27/2016

Category: 

Add new comment

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
Image CAPTCHA
Enter the characters shown in the image.