Các đại dương trên thế giới đang mất dần khả năng ngăn chặn biến đổi khí hậu  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Báo cáo của Liên hiệp Quốc cảnh báo về những cơn bão dữ dội hơn, hiểm họa lũ lụt tăng cao và khan hiếm thủy hải sản nếu không giảm thải khí nhà kính.

Thông qua việc hấp thu nhiệt và cacbon dioxide từ khí quyển, các đại dương trên thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc giúp kiểm soát biến đổi khí hậu. Nhưng điều này đang thay đổi, đại dương đang mất dần khả năng điều hòa khí hậu của nó.

Đó là một thực tế có thể dẫn đến những hậu quả tàn khốc đối với nhân loại trong vài thập kỷ tới, theo một báo cáo mới được thực hiện bởi các nhà khoa học đầu ngành dưới sự ủy nhiệm của Liên hiệp Quốc.

So sánh với những năm đầu thập kỷ 90, tốc độ ấm lên của các đại dương đã tăng gấp đôi, những đợt sóng nhiệt trên đại dương cũng xuất hiện thường xuyên và dữ dội hơn – xu hướng này làm biến đổi hệ sinh thái biển đồng thời góp phần hình thành nên những cơn bão mạnh hơn. Và khi các đại dương hấp thụ CO2, nước biển sẽ bị axit hóa, do đó đe dọa đến sự tồn tại của những rạn san hô và các sinh vật biển khác.

Bản báo cáo đặc biệt về tình hình các đại dương và băng được thực hiện bởi Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đối Khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC) đã đưa ra một lời cảnh báo: Nếu chúng ta không kiên quyết giảm thải khí nhà kính một cách mạnh mẽ, hoạt động ngư nghiệp sẽ rơi vào khủng hoảng, cường độ trung bình của các cơn bão sẽ gia tăng và những vùng đất thấp trên thế giới sẽ rơi vào nguy cơ ngập úng do mực nước biển dâng cao.

Các đại dương “không theo kịp” với mức xả thải khí nhà kính của con người, Ko Barret – phó chủ tịch của IPCC kiêm trợ lý đại diện quản lý Cục quản lý Biển và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ tại Washington DC, cho biết. “Những hậu quả xảy ra với tự nhiên và con người sẽ rất sâu rộng”.

Hơn 100 nhà khoa học từ 30 quốc gia khác nhau đóng góp vào bản báo cáo. IPCC đã phát hành một bản tóm tắt kết quả phân tích dài 42 trang vào ngày 25 tháng 9 tại một buổi họp ở Monaco.

Mực nước dâng cao

Bản báo cáo dự đoán mực nước biển sẽ dâng thêm 1.1m trước năm 2100 nếu phát thải khí nhà kính vẫn tiếp tục tăng. Con số này cao hơn 10cm so với con số ước tính trong bản báo cáo gần nhất về khí hậu toàn cầu được công bố bới IPCC năm 2013.

Richard Alley, một nhà khoa học địa lý đến từ Trường Đại học bang Pennsylvania tại University Park, cho rằng những dự đoán về mức nước biển dâng trong bản báo cáo gần đây nhất vẫn còn dè dặt. Điều này là do các nhà khoa học không chắc chắn khi nào mức tăng nhiệt độ sẽ đẩy nhanh quá trình băng tan, đặc biệt là tại vùng tây Nam Cực. Nếu nhiệt độ tăng nhanh, mực nước trên các đại dương sẽ dâng cao nhanh hơn nhiều so với dự báo năm 2013 của IPCC.

“Mực nước biển chỉ có thể tăng lên ít hơn một chút, cao hơn một chút hoặc là cao hơn nhiều” so với con số dự đoán trong bản báo cáo trước đó, Alley khẳng định. “Chứ nó sẽ không bao giờ thấp xuống đáng kể”.

Nước biển tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ lũ lụt khi có bão, báo cáo viết, và những đợt thủy triều lớn sẽ diễn ra thường xuyên và mạnh bạo hơn. Những trận lụt lớn mà ngày nay chỉ xuất hiện một lần trong cả thế kỷ, đến năm 2050, sẽ có xu hướng diễn ra hàng năm tại rất nhiều thành phố ven biển và hải đảo – đó là kể cả khi chúng ta đã giảm mạnh phát thải khí nhà kính.

Figure 1 – Mực nước biển sẽ tăng thêm 1.1m vào trước năm 2100 nếu phát thải khí nhà kính vẫn tiếp tục tăng (Getty image)

Nhưng bản báo cáo cũng chỉ rõ rằng, xét về lâu dài, con người có thể hạn chế những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Báo cáo ước tính mực nước biển năm 2300 sẽ dâng cao thêm từ 0.6m đến 5.4m, còn chính xác ở mức độ nào thì phần lớn phụ thuộc vào việc các quốc gia có hành động để giảm thải khí nhà kính hay không và họ giảm thải nhanh thế nào.

“Chúng ta gần như chắc chắn sẽ chứng kiến mực nước biển dâng cao trong những thế kỷ tiếp theo”, Michael Oppenheimer – nhà khoa học khí hậu tại trường Đại học Princeton bang New Jersey và cũng là tác giả cộng tác dẫn đầu nghiên cứu chương mực nước biển dâng cao trong bản cáo, chia sẻ, “Câu hỏi cần đặt ra là chúng ta có thể kiểm soát điều đó hay không.”

Bản nháp của bài báo cáo đặc biệt ước tính nước biển dâng có thể đe dọa nơi cư ngụ của 280 triệu người trên khắp thế giới vào năm 2100. IPCC quyết định không đưa con số này vào bản phân tích cuối cùng, sau khi các nhà khoa học nhận ra những kết quả từ một nghiên cứu trước chưa được diễn giải chính xác, Oppenheimer cho biết.

Thay đổi các định mẫu

Báo cáo của IPCC cũng nghiên cứu về băng trên trái đất – kết quả cho biết băng sẽ tiếp tục tan trong những thập kỷ tới.

Tại các vùng cực, nơi những tảng băng tan khi hè về và đóng cứng lại khi đông tới, phạm vi tối thiểu của mùa hè hàng năm (annual summer minimum extent) đã giảm gần 13% mỗi thế kỷ tính từ năm 1979. Mức thay đổi đáng kể như thế chưa từng được ghi nhận trong ít nhất 1.000 năm qua, IPCC viết. Khoảng 20% lớp băng vĩnh cửu vùng cực trở nên mong manh trước những đợt tan băng đột ngột, tiếp đó là đất sẽ chìm sâu xuống biển. Trước khi thế kỷ này kết thúc, một nửa vùng cực sẽ chỉ còn là những hồ nước nhỏ. Và những sông băng nhỏ trên những địa hình đồi núi – trải dài từ Andes tới Indonesia – sẽ mất khoảng 80% lượng băng vào trước năm 2100.

Thông điệp bao trùm của bản báo cáo, theo như Barret, là về việc biến đổi khí hậu đang tác động tới nước trên trái đất, từ những đỉnh núi cao nhất tới vùng sâu nhất trên đại dương, và toàn bộ hệ sinh thái đang phải gánh chịu hậu quả. Nếu phát thải khí không được kiểm soát chặt chẽ, tổng sinh khối của các sinh vật biển có thể suy giảm 15% trước năm 2100, và ngành hải sản thương mại sẽ phải chịu mức giảm 24% khối lượng đánh bắt.

Những biến đổi ấy đang hiện hữu tại rất nhiều nơi, Kathy Mills – 1 nhà hải dương học thuộc Viện Ngiên cứu Vịnh Maine tại Portland, cho biết. Ví dụ như, nền nhiệt gia tăng tại phía bắc Dại Tây Dương khiến loài cá voi cư trú xa hơn về phía bắc, tới những vùng nước mát hơn. Và điều này làm gia tăng nguy cơ chúng sẽ bị mắc kẹt vào những bẫy đánh tôm hùm.

Những thay đổi trên đại dương cũng chính là những hiểm họa lớn cho tương lai của loài người.” Jane Lubchenco – một nhà sinh thái biển khác tại Đại học Bang Oregon, Corvallis và là cựu chủ tịch Cục quản lý Biển và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ, cảnh báo.

Lubchenco hiện tại là cố vấn cho Hội đồng Cấp cao phát triển Nền kinh tế Đại dương Bền vững – cơ quan này cũng đã công bố một bản báo cáo riêng về biến đổi khí hậu và các đại dương trên thế giới vào ngày 23 tháng 9 qua. Kết qua phân tích chỉ ra hàng loạt các động thái – bao gồm phát triển năng lượng tái sinh và đánh bắt bền vững, ngăn chặn tàu biển xả thải và bảo vệ hệ sinh thái duyên hải – có thể góp phần làm giảm lượng phát thải khí nhà kính và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Lubchenco khẳng định những hành động này còn có khả năng giúp phát triển nền kinh tế duyên hải và đưa người dân bản địa thoát khỏi đói nghèo. “Thực tế là đại dương đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết nhiều vấn đề”, bà nói, “Thực tại đang khá ảm đạm và tàn khốc, nhưng chúng ta vẫn còn hy vọng.”

Nguyễn Thùy Linh

(lược dịch, biên tập từ bài của tác giả Jeff Tolefson trên tạp chí nature)

Category: