Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thuận: “Giáo viên hướng dẫn đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng nghề nghiệp của sinh viên”  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thuận (PGS. NVT) là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới ở lĩnh vực tái biệt hoá tế bào (Cell reprogramming) và công nghệ sinh học ứng dụng trên động vật như sinh sản vô tính động vật (animal cloning), và động vật biến đổi gene (transgenic animals). Ông là người sáng lập và hiện đang giữ vị trí Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ Sinh học Sinh sản Châu Á (the Asian Reproductive Biotechnology Society-ARBS). PGS. NVT hiện đang ở Việt Nam và công tác tại trường Đai học Quốc Tế - Đai học Quốc gia TPHCM và trường Đại học Tân Tạo. Ông cũng giữ vị trí giám đốc điều hành (CEO) Trung tâm thụ tinh nhân tạo thuộc Đại học Tân Tạo.Việc quay trở về Việt Nam (VN) của ông đã trở thành đề tài cho nhiều bài phỏng vấn của báo chí và radio trong và ngoài nước như báo Dân trí, Truyền thông Khoa học & Công nghệ, Tin mới, ABC Radio Australia v.v… Độc giả có thể tìm thấy các thông tin chi tiết về con đường khoa học, quan điểm của ông về khoa học, kinh tế và xã hội trên trang web cá nhân của ông (http://vanthuan.webs.com/education.htm). Vietnam Journal of Science (VJS) thực hiện bài phỏng vấn với PGS. NVT nhằm tìm hiểu bí quyết của sự thành công và những gì thế hệ trẻ cần biết khi theo đuổi con đường khoa học.

 

Hình 1: Gia đình PGS. Nguyễn Văn Thuận.

Từ trái qua phải: PGS. Nguyễn Văn Thuận, TS. Bùi Hồng Thuỷ (vợ PGS. NVT), con gái và con trai PGS. 

VJS: Kính thưa PGS. Nguyễn Văn Thuận. Là một nhà khoa học đã trải qua nhiều quá trình rèn luyện gian khổ trong một thời gian dài và khẳng định được tên tuổi trong cộng đồng khoa học quốc tế, thầy có thể chia sẻ với độc giả  về con đường khoa học của thầy cũng như nguyên nhân khiến thầy theo đuổi hướng nghiên cứu hiện nay không? Dựa trên kinh nghiệm của thầy thì các sinh viên (SV) nên làm gì nếu muốn theo đuổi khoa học?

PGS.NVT: Thật ra mà nói một học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 thì khó có thể có được một định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Vì vậy tôi thường nói với các sinh viên là việc chọn người hướng dẫn (advisor) là vô cùng quan trọng. Khi tôi là sinh viên khoa Thú y – trường Đại học Nông Lâm TPHCM, tôi may mắn được gặp Giáo sư Lưu Trọng Hiếu. GS Lưu Trọng Hiếu tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ năm 1972 và về nước để xây dựng trường Đại học Nông Lâm. Thầy không lập gia đình và hết sức tận tâm với nghề. Tôi thi môn của thầy được điểm cao và được thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp. Vào thời đó người ta cũng bon chen rất nhiều trong cuộc sống nhưng khi làm việc với thầy tôi không còn thấy sự bon chen đó nữa. Thầy không hề quan tâm đến chức vụ mà chỉ tập trung vào công việc mà thầy thích. Chính nhờ tấm gương tận tụy và niềm đam mê khoa học của thầy mà tôi có được định hướng nghề nghiệp cho mình. Có thể nói thầy Lưu Trọng Hiếu là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự nghiệp của tôi. Thầy đã truyền cho tôi một niềm đam mê rất lớn với khoa học.

Sau khi tốt nghiệp, tôi ở lại trường  làm việc với thầy Hiếu, đồng thời làm việc tại phòng Quan hệ Quốc tế. Nhờ vậy mà tôi có cơ duyên gặp người thầy thứ 2 là Giáo sư Kato, một giáo sư đầu ngành về Sinh học Sinh sản của Nhật. Năm 1993, khi GS Kato sang thăm VN, ông có ghé trường ĐH Nông Lâm và tôi có cơ hội gặp ông. Năm 1994 GS Kato mời GS Lưu Trọng Hiếu và tôi sang Nhật, giới thiệu về lab của ông và gợi ý làm thủ tục cho tôi sang học. Vậy là tôi sang Nhật học chuyên về CNSH sinh sản trên người và động vật.

Trong quá trình học tập của sinh viên thì các cơ hội nghề nghiệp rất quan trọng.  Các cơ hội này thường có ở các hội nghị khoa học. Năm 2000, tôi được tham dự hội nghị về Nhân bản vô tính đầu tiên của thế giới tổ chức tại Nhật.  Tại hội nghị này, tôi gặp và thảo luận với các nhà khoa học hàng đầu về nhân bản vô tính như GS Ian Wilmut và GS Keith Campbell, những người đã tạo ra chú cừu Dolly, và TS. Teruhiko Wakayama, người đầu tiên nhân bản vô tính chuột vào năm 1998. Sau đó Wilmut và Campbell có quay trở lại Nhật và tổ chức một lớp tập huấn về tái biệt hoá tế bào và tôi có tham dự lớp đó. Vì vậy tôi chọn làm tiến sĩ theo hướng tái biệt hoá tế bào.

Khi tôi vừa tốt nghiệp tiến sĩ năm 2002, TS. Wakayama quay trở về Nhật Bản và viết thư mời tôi về làm tại trung tâm Sinh học Phát triển (Center for Developmental Biology - CDB) thuộc viện RIKEN, gia nhập nhóm của ông . Lúc đó CDB mới thành lập được 3 năm. Con đường khoa học của tôi là một chuỗi các sự kiện liên tục trên một con đường được vạch sẵn cùng với những cơ hội trên đường đi. Vì vậy tôi nghĩ là một sinh viên thì việc đi theo một con đường do giáo sư hướng dẫn vạch ra, theo một hướng nghiên cứu hoàn chỉnh đã được thiết lập rõ ràng thì mọi chuyện sẽ rất suôn sẻ và dễ dàng. Tuy nhiên, khi làm nghiên cứu sau tiến sĩ, nếu mình được gia nhập vào một nhóm nghiên cứu đang khởi đầu cho việc thiết lập phòng thí nghiệm (lab) và được lãnh đạo bởi một người có nhiều kinh nghiệm nhất thì mình sẽ học được rất nhiều điều bổ ích mà không một trường Đại học nào có thể dạy cho mình. Vì vậy khi tôi vào nhóm của Wakayama và đã bắt đầu xây dựng lab từ con số 0 đến khi nó hoàn thiện. Đó là cái quý giá nhất mà tôi học được trong quá trình học tập ở Nhật.

Sau khi làm việc trong mảng tái biệt hoá tế bào một thời gian dài, tôi nhận ra rằng để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh thì cần phải liên kết nhiều chìa khoá công nghệ khác nhau. Một trong các chìa khoá đó là kỹ thuật tạo động vật chuyển gene. Với kỹ thuật này thì Hàn Quốc là mạnh nhất. Tuy nhiên, Hàn Quốc lại rất yếu về kỹ thuật nhân bản vô tính, một kỹ thuật mà tôi nắm rất rõ. Khi các giáo sư bên trường ĐH Konkuk, Hàn Quốc mời tôi sang làm việc với vị trí phó giáo sư, tôi đồng ý vì muốn học được kỹ thuật tạo động vật chuyển gene của họ 2007-2013).

Đến năm 2013 thì tôi và gia đình quyết định quay trở lại VN với mong muốn truyền đạt lại những kiến thức đã học cho SV nước nhà.

VJS: Trong quá trình học tập và làm việc, thầy đã gặp những khó khăn gì, đặc biệt là lần đầu tiên đi học ở nước ngoài?

PGS.NVT: Ngôn ngữ là một khó khăn rất lớn khi đi học ở Nhật. Tôi nghĩ rằng ngôn ngữ học được từ giao tiếp hàng ngày rất quan trọng, nên tôi làm bạn với nhiều người Nhật. Tôi tạo mối quan hệ thật tốt với bạn bè trên lớp và đồng nghiệp ở lab, chỉ cho họ tiếng Anh, tiếng Việt để họ dạy cho tôi tiếng Nhật. Trong suốt 14 năm sống ở Nhật thì tiếng Nhật là ngôn ngữ chính mà tôi sử dụng trong công việc cũng như ngoài đời sống hàng ngày.

VJS: Động lực nào giúp thầy theo đuổi khoa học trong một thời gian dài như vậy?

PGS.NVT: Động lực đầu tiên chính là niềm đam mê. Tuy nhiên niềm đam mê cần có người định hướng. Con người phát triển giống như một cái cây. Người trồng cây sẽ định hướng cho cái cây phát triển theo chiều thẳng hay chiều nghiêng. Vì vậy vai trò của người THẦY trong giáo dục rất quan trọng.

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, để duy trì sự đam mê cần có gia đình. Mục tiêu chính của niềm đam mê vẫn là để giúp cho gia đình của mình tốt hơn. Ở ngoài xã hội mình làm việc để chu cấp cho gia đình. Nếu vì đam mê khoa học mà bỏ bê gia đình thì không tốt. Gia đình tôi rất gắn bó và cùng nhau vượt qua nhiều trở ngại. Cuộc sống khá vất vả khi hai đứa con còn bé nhưng chính sự nỗ lực của cả nhà làm cho gia đình tôi ngày càng gắn bó chặt chẽ, tạo một nền tảng rất vững vàng. Các con thấy cha mẹ đều nỗ lực nên rất tôn trọng và biết rằng tình cảm gia đình là điều quan trọng.

Đam mê có thể lụi tàn theo năm tháng. Vậy thì làm sao để duy trì ngọn lửa đam mê trên con đường dài đầy khó khăn? Những nhà khoa học thành công thường có cơ may được các nhà khoa học đã thành công giúp họ giữ lửa đam mê. Mình thấy người ta cũng gặp những khó khăn như vậy mà vẫn thành công được thì sao mình lại làm không được.

VJS: Đã sống và làm việc ở Nhật và Hàn Quốc một thời gian dài, thầy nhận thấy SV Hàn, SV Nhật khác SV VN như thế nào?

SV VN khi qua Nhật bản và Hàn quốc học thường bị shock về văn hoá, nhiều người phạm phải những lỗi lầm không đáng có với nước sở tại do có những hành động không phù hợp với văn hoá của họ hoặc do hiểu lầm cách cư xử của họ. Vì vậy, các SV VN trước khi đi du học nên học trước về văn hoá của nước mình muốn đến.

Ngoài ra, SV Nhật/Hàn thường rất thẳng thắn nhận “dốt”. Nếu họ không biết một vấn đề thì họ sẽ thẳng thắn nói là họ không biết. Ngược lại, phần lớn SV VN thường không nhận “dốt”. Nếu họ không biết thì họ lại giấu đi. Đó là một hệ lụy bám theo mình suốt mà không giải quyết được, đặc biệt đối với các kiến thức nền tảng. Nếu giấu mình không biết thì khi học kiến thức mới hơn lại bị hụt hẫng và cái sự không biết cứ nhân lên và kết quả là mình không học được gì. Vì vậy các bạn sinh viên nên biết nhận “dốt”, thậm chí đôi khi cũng nên giả là mình “dốt” để được học nhiều hơn, vì khi làm postdoc thì sẽ chẳng có ai dạy cho mình nữa.

Xét về sự cần cù và sự thông minh, SV mình cũng giống như SV nước bạn. Nếu gặp đúng người Thầy biết cách khuyến khích và dạy dỗ thì SV VN làm việc rất tốt.

Về kiến thức nền tảng thì phải công nhận rằng SV nước bạn có căn bản hơn. Ở Nhật hoặc ở Hàn, giáo sư rất chú trọng các kỹ thuật cơ bản. Chính giáo sư sẽ dạy các kỹ thuật này cho SV, không phải postdoc hay kỹ thuật viên dạy vì giáo sư sợ kỹ thuật sẽ bị mai một hoặc biến đổi theo thời gian.

VJS: Được biết thầy vừa là một nhà khoa học danh tiếng, vừa là một người làm kinh tế với những dự án đầy tiềm năng.  Thầy có thể chia sẻ với độc giả những dự án thầy đã, đang và sẽ thực hiện trong tương lai không?  Hướng nghiên cứu nào thầy dự định theo đuổi ở VN? Kinh nghiệm và công thức để thành công của thầy là gì?

PGS.NVT: Chuyên ngành của tôi là về Kỹ thuật sinh sản. Khi về VN, dự án đầu tiên của tôi là kết hợp với tập đoàn Tân Tạo để xây dựng bệnh viện Tân Tạo với thế mạnh là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF – In vitro fertilization). Tuy IVF không phải là một kỹ thuật mới ở VN nhưng ở bệnh viện Tân Tạo, chúng tôi có thể thực hiện một số kỹ thuật để chữa một số loại vô sinh mà các bệnh viện khác không làm được như vô sinh do không có tinh trùng, một loại bệnh phổ biến ở VN gây ra do nam giới bị bệnh quai bị khi còn nhỏ. Ngoài ra chúng tôi cũng có thể chẩn đoán sớm các bệnh di truyền ở phôi giai đoạn sớm, khoảng 4-5 ngày tuổi (PGD-Preimplantation genetic diagnosis). Đây là một bước đột phá so với các kỹ thuật chẩn đoán bệnh di truyền trên thai 5-6 tháng tuổi vì tính an toàn cho thai nhi và vấn đề đạo đức khi thai phụ buộc phải bỏ thai khi phát hiện các bệnh di truyền nguy hiểm.

Về kỹ thuật sản xuất protein tái tổ hợp của người dựa trên công nghệ sinh học động vật (Pharming), các nước khác đã tạo ra bò có khả năng sản xuất Human protein C với giá thành 10 triệu USD/một con bò chuyển gen. Hiện nay tôi đã nắm được 4 chìa khoá quan trọng là kỹ thuật tái biệt hoá tế bào, chuyển cấy gene, nhân bản vô tính và CNSH sinh sản động vật bậc cao. Bằng cách kết hợp 4 chìa khoá này, ta có thể tạo được các protein của người như protein C, EPO (erythropoietin protein – một loại protein làm gia tăng hồng cầu ở người) phục vụ cho y tế. Dự án sản xuất EPO là một dự án tôi ấp ủ từ lâu nhưng vẫn chưa có cơ hội thực hiện.

Còn về bí quyết sự thành công thì tôi nghĩ phải học như người Nhật, một kỹ thuật nhỏ nhưng phải làm đến tận cùng, làm việc gì cũng phải làm được từ đầu đến cuối. Phải cố gắng biến mình thành một tổng công trình sư, nắm bắt được tất cả các chìa khoá để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Trong giai đoạn đào tạo sau đại học thì mỗi sinh viên chỉ tập trung vào một chi tiết rất nhỏ của một vấn đề. Một mảng nghiên cứu thì không thể tạo ra được sản phẩm. Để có được kinh nghiệm và kiến thức của một tổng công trình sư, người làm khoa học cần đi nhiều và không ngừng học hỏi từ lab này sang lab khác. Vì vậy tôi vẫn thường khuyên các sinh viên trong quá trình học thạc sĩ, tiến sĩ nên tham gia hỗ trợ các đồng nghiệp để học hỏi thêm. Còn khi đã tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tiến sĩ, nếu muốn ổn định cuộc sống thì nên ở lại lab cũ, nhưng nếu muốn phát triển nghề nghiệp thì bằng mọi cách phải làm nghiên cứu ở nhiều lab khác, mỗi lab khoảng 2-3 năm, không ngừng học hỏi và kết bạn nhiều để tạo một network cho bản thân.

Ai muốn thành công đều phải đam mê, kiên trì và quyết tâm là hai điều cực kì quan trọng với người làm khoa học. Khi làm thí nghiệm thì tỉ lệ thất bại cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ thành công. Chưa kể khi hoàn thành đề tài và nộp cho các tạp chí khoa học thì lại phải làm thêm thí nghiệm để trả lời các câu hỏi phản biện. Nếu không có sự kiên trì và lòng quyết tâm thì sẽ bỏ cuộc dễ dàng.

VJS: Ở Việt Nam hiện nay, tuy nguồn kinh phí cho nghiên cứu không nhiều, nhưng nhà nước vẫn có những đầu tư cho nghiên cứu. Những nguồn kinh phí này chủ yếu tập trung cho những nghiên cứu mang tính ứng dụng. Vì vậy, những người làm nghiên cứu cơ bản gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kinh phí nghiên cứu và sự ủng hộ của đơn vị chủ quản.  Thầy nghĩ thế nào về tình trạng này?

PGS.NVT:  Theo kinh nghiệm của tôi tại Nhật Bản và Hàn Quốc, quy trình để tuyển một nhà nghiên cứu vào vị trí GS/PGS mà nhà trường đang thiếu rất nghiêm ngặc. Nhà trường sẽ công báo rộng rãi để xét tuyển, và chỉ có những postdoc có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và có bề dày khoa học mới được nhận. Chính những GS này, thông qua thành tích của họ để xin tài trợ chính phủ để xây dựng phòng thí nghiệm. Với cách làm này, Trường Đại học nơi nhận họ sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Đối với Hàn Quốc thì nhà trường có thể thu được 25% kinh phí mà họ xin được, tiền này Trường Đại học dùng để trả lương cho postdoc và tài trợ cho sinh viên tiến sĩ khi vị GS này muốn nhận người. Các nghiên cứu viên sau Tiến sĩ có thể sử dụng cơ sở vật chất và thiết bị có sẵn để viết đề cương nghiên cứu và xin kinh phí để làm đề tài. Hiện nay nguồn quỹ lớn nhất dành cho nghiên cứu cơ bản là NAFOSTED chỉ giống như nguồn kinh phí cho postdocs. Theo tôi, nhà nước nên học theo các nước phát triển khác và đầu tư xây dựng phòng lab cho các giáo sư lớn ở các trường đại học. Các giáo viên trẻ và các thạc sĩ, tiến sĩ mới ra trường có thể gia nhập nhóm với các giáo sư, cùng làm việc ở các phòng lab này, tạo thành các nhóm nghiên cứu mạnh, từ đó mới đẩy nhanh nghiên cứu khoa học được.

VJS: Hiện nay có nhiều nghiên cứu viên, nhà khoa học Việt Nam làm việc ở nước ngoài đang phân vân giữa việc nên về VN làm việc hay ở lại nước ngoài.  Thầy có lời khuyên gì với họ? Nếu họ muốn về VN làm việc và cống hiến thì họ nên chuẩn bị những gì?

PGS.NVT: Khi tôi quyết định về VN thì tôi không phải lo lắng về kinh tế. Vợ chồng tôi đã làm việc ở Nhật và Hàn Quốc trong 18 năm với mức lương khá cao nên chuyện cơm áo gạo tiền không phải là chuyện bận tâm khi quay trở về. Tôi muốn về VN để truyền đạt lại những gì tôi đã học được cho sinh viên VN mình. Tôi muốn là người tạo lửa ở phía trong để những người Việt Nam đi làm khoa học ở nước ngoài nhận thấy là về VN vẫn làm việc và sống tốt được. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói là khi về sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có người tạo lửa trước. Khó khăn nhất là trong những năm đầu. Nếu nản chí thì sẽ lại bỏ đi. Cho nên khi quyết định về phải có đủ lực về trình độ nghiên cứu và về kinh tế, và nhất là phải kiên trì ở lại, khi đã quyết định về rồi thì đừng nên đi nữa.

Với người làm khoa học thì tuổi thành công là tuổi 40 trở lên, tuổi chín trong nghề nghiệp, vững vàng trong nghiên cứu. Khi vào tuổi 40 thì con cái họ cũng đã vào cấp 3. Nếu về VN thì bắt buộc phải cho con vào học ở trường Quốc tế vì con đã học ở nước ngoài nhiều năm rồi, không thể hoà nhập và theo kịp ở trường VN. Trường Quốc tế thì rất đắt đỏ nên người làm khoa học buộc phải có tiềm lực về kinh tế mới có thể quay về VN.

Còn đối với các sinh viên vừa hoàn tất chương trình tiến sĩ thì nên đi làm nghiên cứu sau tiến sĩ ở nước ngoài. Sở dĩ Hàn Quốc và Trung Quốc đang gặt hái về khoa học là nhờ vào thế hệ đã đi học hỏi sau tiến sĩ ở Mỹ và Châu Âu. SV mới hoàn tất tiến sĩ giống như những đứa bé mới chập chững biết đi trong thế giới khoa học. Họ cần có thời gian để học hỏi thêm. Nhà nước mình thì vẫn khuyến khích sinh viên du học về nước nên những học bổng chính phủ hay những học bổng hỗ trợ cho chính phủ VN như học bổng Vietnam Education Foundation (VEF) bắt buộc SV quay trở về sau khi tốt nghiệp. Tôi nghĩ các bạn sau khi quay về hãy tiếp tục giữ liên lạc với thế giới khoa học ở nước ngoài để có thể đi học hỏi tiếp sau khi kết thúc thời hạn ở VN.

VJS: Thầy nghĩ sao về dự án VJS mà một nhóm các bạn trẻ VEF Fellows đang làm?

PGS.NVT: Tôi rất ủng hộ dự án này. Chúng ta hãy nghĩ rằng mỗi chúng ta chỉ là hạt cát trong thế giới tri thức và mong có nhiều hạt cát như vậy để tạo thành một bãi cát. Tôi rất hoan nghênh dự án của các em vì bao nhiêu năm rồi VN chưa thể đưa ra được một journal vào được SCI (Science Citation Index – Danh mục trích dẫn của các tạp chí khoa học có chất lượng). Xây dựng một journal của VN cũng giống như xây dựng một thương hiệu cho nền khoa học nước nhà, là một điều rất cần thiết. Tôi khuyên các em nên đi vào hướng chuyên ngành vì hiện nay, ngoài Nature và Science thì ít có một tạp chí nào có thể bao quát hết tất cả các lĩnh vực.

VJS: Cám ơn thầy rất nhiều vì những chia sẻ chân tình. Chúc thầy và gia đình luôn khoẻ mạnh và hạnh phúc. Chúc thầy thành công với những dự án đang và sẽ thực hiện.

--- Thực hiện: Mai Trần---

 

 

Add new comment

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
Image CAPTCHA
Enter the characters shown in the image.