Giáo sư Nguyễn Kim Phi Phụng - người phụ nữ bình dị với đam mê cây thuốc  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Tối 7/3 (2017), Giáo sư Nguyễn Kim Phi Phụng nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2016 vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Giáo sư Phụng đã chủ trì và tham gia 11 đề tài nghiên cứu các cấp, công bố 144 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành hóa, viết và xuất bản 7 sách giáo trình phục vụ giảng dạy đại học và sau đại học. Đối với công tác giảng dạy, giáo sư đã hướng dẫn 8 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 69 thạc sĩ và 150 sinh viên thực hiện khóa luận tốt nghiệp. Trước đó, giáo sư Phụng cũng được nhận Huân chương Lao động hạng ba (2011), Nhà giáo Ưu tú (2010), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2007) cùng nhiều bằng khen khác của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Người phụ nữ kiên trì, bền bỉ làm nghiên cứu

Chia sẻ cảm xúc khi nhận giải thưởng Kovalevskaia 2016, giáo sư Phụng cho biết: “Tôi đam mê nghiên cứu từ khi còn là sinh viên và luôn mong mỏi mình sẽ tạo ra được những sản phẩm có ích cho xã hội chứ không nhằm mục đích trở thành GS, TS, hay nhận được giải thưởng, bằng khen. Do vậy, khi biết tin mình được nhận Giải thưởng Kovalevskaya, tôi thật sự bất ngờ và hạnh phúc, bởi đây là giải thưởng cao quý dành cho phụ nữ đầu tiên tôi nhận được trong cuộc đời làm giảng viên kiêm nghiên cứu khoa học của mình”.

Chính ngọn lửa đam mê nghiên cứu luôn rực cháy đã giúp giáo sư Phụng vượt qua những khó khăn, thử thách trên con đường làm khoa học. Con đường ấy có lẽ còn nhiều chông gai hơn đối với một người phụ nữ. Sau khi tốt nghiệp Khoa Hóa (Đại học Khoa Học Tự Nhiên TP.HCM) năm 1977, cô được giữ lại trường làm nghiên cứu sinh. Đây cũng chính là lúc cô quyết định lập gia đình. Khó khăn về điều kiện làm thí nghiệm, cùng với đó là những áp lực trong vai trò người vợ, người mẹ đã khiến cô phải mất tới 8 năm để hoàn thành luận án tiến sĩ.

Trong năm thứ sáu làm nghiên cứu sinh, cô đã rất khó khăn khi quyết định xa gia đình, xin học bổng sang Pháp để hoàn thành đề tài. Hai năm sống xa chồng con, đã có lúc cô mở đĩa nhạc có bài “Ở hai đầu nỗi nhớ”, mà nghe, mà hát, “mà khóc cho đã đời”. Nhờ có sự động viên, khích lệ, đặc biệt là từ chồng cô, cuối cùng cô đã hoàn thành luận án “Nghiên cứu thành phần hoá học của dịch chiết nước bả hột bông vải Gossypium herbaceum”.

Chặng đường tiếp theo trên hành trình nghiên cứu của giáo sư Phụng cũng không hề dễ dàng. Hướng nghiên cứu chính của cô là khảo sát, từ đó cô lập các chất có hoạt tính sinh học trong cây thuốc, một số loài địa y và cây rừng ngập mặn. Vì thế, để thu được mẫu vật, có khi phải lên vùng cao nguyên, có khi phải vào rừng ngập mặn. Có được mẫu vật rồi lại là những tháng ngày làm việc bền bỉ trong phòng thí nghiệm để tách chiết, tinh sạch… Vất vả là vậy, nhưng đã nhiều lần cô phải làm lại từ đầu, vì chất tìm ra đã được phát hiện và công bố trước trên thế giới.

“Có những lúc khó khăn, bế tắc nhưng tôi quyết tâm không từ bỏ, vì tôi hiểu những công trình nghiên cứu này còn gắn với kết quả nghiên cứu sinh của học viên và có thể giúp được nhiều người bệnh. Vì vậy, tôi phải là cột mốc trụ lại để cho sinh viên bình tâm tiếp tục triển khai”, cô Phụng tâm sự. Tinh thần kiên trì, bền bỉ đã giúp cô phát hiện được nhiều hợp chất tự nhiên, có hoạt tính ức chế nhiều dạng ung thư ở người như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư phổi.

Giáo sư Nguyễn Kim Phi Phụng và học trò

Ưu tư về con đường phát triển thuốc chống ung thư giá bình dân

Mặc dù phát hiện được nhiều hợp chất có khả năng ức chế khối u tốt, giáo sư Phụng vẫn luôn trăn trở làm sao để chúng trở thành những loại thuốc có giá phải chăng, đáp ứng được nhu cầu của người bệnh nước ta. Tuy nhiên, việc phát triển thuốc là một chặng đường dài, “Để sản xuất thành công viên thuốc trị ung thư giống như hoạt chất trong cây thông đỏ (phân bố ở Lâm Đồng), Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) phải mất 10 năm với rất nhiều đầu tư”, cô lấy ví dụ.

Theo giáo sư Phụng, “Từ kết quả phòng thí nghiệm tới sản xuất viên thuốc bán trên thị trường sẽ phải mất hai, ba giai đoạn nữa, cùng với đó là vốn đầu tư và công sức lớn. Nguồn dược liệu của nước ta còn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá một cách đầy đủ, có hệ thống. Những nghiên cứu của tôi đều về lĩnh vực dược, còn tôi thì lại thuộc chuyên ngành hóa cho nên có lẽ chưa thuyết phục được người ta đầu tư để mang những sản phẩm chống ung thư “bình dân” ra thị trường. Trong khi đó, các công ty dược hiện nay chỉ muốn sản xuất những thứ có sẵn, không muốn đầu tư nhiều vào nghiên cứu...”

Người thầy bình dị mà đầy nhiệt huyết

Ở tuổi 62, giáo sư Phụng vẫn đến trường mỗi ngày bằng chiếc xe máy cũ. Ẩn sau vẻ ngoài đầy bình dị ấy là sự nhiệt huyết và luôn quan tâm khi hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh. Cô đã hướng dẫn, đào tạo rất nhiều sinh viên, học viên trở thành những nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Và cô luôn yêu cầu cao đối với học trò của mình cả về chuyên môn lẫn ngoại ngữ, để có thể nắm bắt được những cơ hội học tập, nghiên cứu, hoặc hợp tác quốc tế.

Một học trò của cô Phụng, tiến sĩ Võ Thị Ngà, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. HCM, chia sẻ: “Khi đã là giảng viên, mình mới hiểu hết sự đầu tư của cô. Cho rất nhiều đề, chấm điểm, nhận xét, vào sổ điểm chỉ với mục tiêu đánh giá đúng sinh viên suốt quá trình học tập. Những lời động viên, phê bình cụ thể như em giỏi quá, ý tưởng hay tạo hứng thú học tập cũng như giúp sinh viên biết phải cải thiện ở đâu. Điều đó ý nghĩa hơn là con số vô hồn để kết thúc môn”.

Bản thân cô Phụng cho rằng: “Dạy ở trường là xác định nghèo. Khi không thể trông đợi vào vật chất, người ta nên tận hưởng giá trị tinh thần. Những giải thưởng như là sự tưởng thưởng về mặt tinh thần. Tuy nhiên, tài sản quý nhất của tôi là học trò và những bài báo quốc tế.”

Thực hiện: Lê Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Ngô

Tham khảo:

1. http://vnuhcm.edu.vn/?ArticleId=eb543c7d-89dd-4536-9145-38ea5c039a27
2. http://phunuonline.com.vn/thoi-su/phap-luat/gs-ts-nguyen-kim-phi-phung--giai-thuong-kovalevskaia-2016-nguoi-phu-nu-quan-quat-vi-cai-moi-95000/
3. http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20170307/hoc-tro-la-tai-san-quy-cua-toi/1275800.html
4. http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/32396002-tang-khuyen-mai-de-hut-khach.html