“Cần một sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý khoa học và công nghệ Việt Nam”: GS.TS. Trương Nguyện Thành  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

GS. TS Trương Nguyện Thành, khoa Hóa học, đại học Utah Mỹ là một chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hóa tính toán và phát triển hạ tầng cơ sở tính toán. Giáo sư cũng đang đảm nhiệm vị trí Viện trưởng Khoa học, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán, TP.HCM. Ngoài ra, thầy cũng là người sáng lập trang ivanet.org, trang mạng xã hội tập hợp những khoa học gia gốc Việt trên toàn thế giới. Học trò của thầy có rất nhiều người thành danh trong khoa học và hiện đang công tác ở Việt Nam như PGS. TS. Lê Thị Lý, TS. Huỳnh Kim Lâm. Thầy Thành đã có những trao đổi hết sức cởi mở và thẳng thắn về tình hình khoa học trong nước cùng với những chính sách cần để phát triển Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam.

VJS: Chào thầy Thành. Trước tiên chúng em xin cảm ơn thầy đã nhận lời trao đổi cùng chuyên mục Chân dung nhà Khoa học của VJS. Chúng em được biết thầy là thành viên sáng lập trang mạng ivanet.org, nơi tập hợp những người Việt làm khoa học trên toàn thế giới. Xin mời thầy giới thiệu cho độc giả VJS biết rõ hơn về tổ chức ivanet, phương thức hoạt động và mục tiêu hướng đến.

GS. TS. Trương Nguyện Thành: Hồi trước tôi đảm nhiệm chức vụ Thư ký Hiệp hội Giáo sư gốc Việt ở Mỹ. Hội này hình thành từ những năm 90 thế kỷ trước, có khoảng chừng 40 thành viên là giáo sư gốc Việt đang làm việc ở Mỹ. Tuy nhiên do có nhiều khác biệt về cách nhận định các vấn đề ở Việt Nam nên cuối cùng hội cũng tan rã. Đó thật sự là một điều rất đáng tiếc vì nếu tập hợp lại chúng ta có thể cùng giúp đỡ nhau đạt được những vị trí cao hơn trong xã hội. Do đó, tôi đã lập trang ivanet.org với mục tiêu là tập hợp những người làm khoa học gốc Việt để các thế hệ đi trước có cơ hội giúp đỡ các thế hệ đi sau cùng phát triển. Hệ thống giáo dục ở nước ngoài thật sự rất là khó và có nhiều thử thách kể cả cho người bản xứ. Xin làm nghiên cứu sinh đã không dễ, sau khi có tiến sĩ xin vị trí postdoc thì khó hơn, rồi tìm được vị trí phó giáo sư (assistant professor) thì càng khó gấp bội, và để được làm giáo sư (tenure professor) ‘thực thụ’ thì trăm bề khó hơn nữa. Do đó việc thành lập hội này, để giúp đỡ người Việt Nam thành công hơn trong hệ thống giáo dục nước ngoài là rất cần thiết.

Ivanet hiện bao gồm các giáo sư, nghiên cứu sinh, người làm khoa học không chỉ ở nước ngoài mà còn có nhiều thành viên ở trong nước. Hiện giờ hội đã có hơn 2000 thành viên, đến từ những lĩnh vực khác nhau và thường xuyên bàn luận rất sôi nổi về nhiều vấn đề như môi trường làm việc, phương pháp nghiên cứu, tình hình khoa học trong nước. Năm sau, chúng tôi dự định sẽ tổ chức một hội nghị ở Việt Nam để các thành viên trong nhóm có điều kiện gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Đó cũng là cơ hội để các nhà khoa học trong nước kết nối với các khoa học gia ở nước ngoài.

VJS: Ngoài ivanet, thầy có đang tham gia hoạt động nào khác để thúc đẩy sự phát triển của KHVN không thưa thầy?

GS. TS. Trương Nguyện Thành: Từ khoảng 8 - 9 năm nay, tôi về Việt Nam thường xuyên, mỗi năm khoảng 2-3 tháng để giúp TP.HCM phát triển Viện Khoa học và Công nghệ (KHCN) Tính toán.  Viện được thành lập nhằm thúc đẩy phát triển KHCN Tính toán, một lĩnh vực khoa học tương đối mới ở Việt Nam dựa trên lợi thế về chi phí đầu tư cho khoa học tính toán tương đối thấp hơn nhiều so với thực nghiệm, trong khi kết quả nghiên cứu có thể cạnh tranh được với các nước phát triển trên thế giới.  Nghiên cứu KHCN Tính toán phần lớn là mô phỏng và mô hình hóa các hệ thống phức tạp từ cơ chế phản ứng hóa học, tương tác phân tử thuốc với đối tượng bệnh (disease target), những vấn đề liên quan đến môi trường như chất lượng nước sông, cho đến thiết kế kỹ thuật, đồng thời phát triển phần mềm cho giáo dục và nghiên cứu. Viện trưởng Điều hành của viện hiện giờ là PGS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, PGĐ sở KHCN TPHCM. Tôi chỉ phụ trách phần chiến lược phát triển KHCN của viện.

VJS: Cũng đã gắn bó với khoa học Việt Nam một thời gian khá lâu, thầy có đánh giá thế nào về tình hình KH&CN ở Việt Nam hiện nay? Theo thầy liệu có sự thay đổi đột phá cho Việt Nam về KH&CN trong thời gian tới?

GS. TS. Trương Nguyện Thành: OECD (Organization for Economic Cooperation and Development -Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) hợp tác với Ngân hang Thế giới hực hiện một đánh giá về tình hình phát triển KHCN của Việt Nam và đã hoàn tất vào cuối năm 2014. Theo đó, Việt Nam đang đứng trước thử thách rất lớn, đó là có thể bị khóa vào một nền kinh tế công nghệ thấp với những giá trị gia tăng thấp và phát triển chủ yếu dựa trên tài nguyên. Nếu chậm thay đổi thì nguy cơ Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình rất cao. Với tình hình hiện nay, để có khả năng vượt qua thử thách này, khoa học và công nghệ có thể là chìa khóa tạo động lực phát triển kinh tế và xã hội.

Gần đây, chính sách về KH&CN ở Việt Nam đã có nhiều biến động tích cực. Tiêu biểu như dự án FIRST của World Bank, tài trợ gần 100 triệu đô la Mỹ để Việt Nam phát triển KH&CN. Quỹ Innova Fund với kinh phí hơn 1000 tỷ đồng Việt Nam cũng mới ra đời để thúc đẩy khởi nghiệp từ những sáng tạo trong khoa học. Rồi đầu tháng 9 này cũng vừa có buổi gặp mặt giữa thủ tướng với các nhà khoa học trẻ. Cùng với quỹ NAFOSTED hoạt động rất tích cực và cũng đã đem lại những thành công đáng kể trong mấy năm trở lại đây, đó là những điểm sáng trong bức tranh KH&CN Việt Nam thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, liệu có sự thay đổi đột phá gì cho KH&CN của Việt Nam trong tương lai không? Câu trả lời của tôi là KHÔNG! Tại sao tôi lại nói như vậy?

Về mặt khoa học, nếu làm thí nghiệm theo quy trình cũ thì kết quả cũng sẽ không có gì khác hơn những gì đã nhận được. Bởi vậy, chỉ trừ khi chính phủ đưa ra những giải pháp mới, mạnh mẽ và quyết đoán thì tình hình KH&CN mới có thể đột phá được.

Bản chiến lược phát triển khoa học từ năm 2000 đến 2010, rồi từ 2011 đến năm 2020 đưa ra những hướng phát triển trọng điểm như ngành công nghệ thông tin-truyền thông, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và cơ điện tử, năng lượng nguyên tử và các dạng năng lượng mới, công nghệ vũ trụ.  Chiến lược phát triển quá chung chung, không nói lên được những mục tiêu rõ ràng để cộng đồng khoa học có thể xây dựng lộ trình phát triển để đạt đến. Chính phủ Mỹ thì ngược lại, luôn đưa ra những bài toán hết sức cụ thể, như bài toán về giải mã bộ gen người mười mấy năm trước và gần đây tổng thống Obama đưa ra chiến lược phát triển siêu máy tính với mục tiêu tốc độ rõ ràng. 

Việt Nam cần đề xuất những bài toán/vấn đề thực tế xuất phát từ việc phân tích nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, khả năng cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế cũng như tính khả thi. Qua những bài toán thực tế này, nhà lãnh đạo có thể đánh giá được tầm quan trọng của những hướng phát triển khác nhau, hiểu rõ rằng nhu cầu đầu tư cho mục tiêu dài hạn có thể có nhiều thách thức so với những đề xuất có lợi ích ngắn hạn tính khả thi cao nhưng không đáp ứng được nhu cầu phát triển cần thiết. Những bài toán thực tế này còn giúp đưa ra lộ trình phát triển rõ ràng, những tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả định kỳ; qua đó có thể để điều chỉnh kế hoạch phát triển kịp thời. Thêm vào đó, những bài toán thực tế thường đòi hỏi sự phối hợp đa ngành để cùng phát triển cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng khả năng giải quyết những bài toán phức tạp. Ví dụ để phát triển thành công mẫu xe hơi điện Angkor EV của Campuchia đòi hỏi sự phối hợp liên ngành giữa công nghệ thông tin truyền thông, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ tự động hóa và cơ điện tử, các dạng năng lượng mới (chiếm 4 trong 6 ngành công nghệ trọng điểm trong chiến lược phát triển KHCN của Việt nam nói trên). Dựa trên tình hình hiện nay, tôi nghĩ một trong những bài toán thực tế có thể đặt ra dựa trên cơ sở hạ tầng cũng như nhân lực công nghệ thông tin mà từ mười mấy năm nay chúng ta đã tập trung phát triển.

Ngoài ra hạ tầng cơ sở cho nghiên cứu khoa học cần phải tái cơ cấu.  Xưa nay chúng ta theo mô hình của Liên Xô, đó là các trường đại học chỉ đảm nhiệm việc dạy học, còn việc nghiên cứu thì để cho các viện hàn lâm khoa học. Chỉ có thời gian gần đây, chúng ta mới cho phép các viện hàn lâm mở các chương trình đào tạo sau đại học, rồi khuyến khích các đại học tham gia nghiên cứu khoa học. Nhưng hạ tầng cơ sở hiện giờ của các trường đại học chưa cho phép điều đó. Ở các trường đại học nổi tiếng trên thế giới, 90% cơ sở vật chất là dành cho nghiên cứu. Với hạ tầng cơ sở như bây giờ, cũng không ngạc nhiên khi người ta nói các trường đại học ở Việt Nam quá nặng về lý thuyết.

 

VJS: Có một vấn đề đối với Việt Nam đó là hiện chúng ta vẫn còn là 1 nước đang phát triển, nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Nếu tập trung đầu tư vào hạ tầng cơ sở nghiên cứu thì liệu có quá sức với Việt Nam?

GS. TS. Trương Nguyện Thành: Thật ra mà nói thì chúng ta không cần dành quá nhiều tiền để đầu tư đâu. Tuy nhiên vấn đề là chúng ta phải biết đầu tư tập trung vào những mục tiêu rõ ràng, tránh dàn trải. Theo thống kê của Bộ KH&CN năm 2011, hiện nay cả nước có khoảng gần 700 đơn vị nghiên cứu khoa học (cấp trung ương và cấp bộ) và gần 1.000 đơn vị cấp địa phương. Với số lượng nhiều như thế thì chúng ta lấy đâu ra tiền để đầu tư đúng mức cho những hoạt động nghiên cứu thường xuyên có chất lượng. Trong khi đó cả nước Mỹ chỉ có 17 Phòng thí nghiệm quốc gia (National lab). Ngay cả ở Hàn Quốc, chỉ có 12 viện nghiên cứu cấp Bộ.  Do đó, bài toán ở đây là liệu chính phủ có dám mạnh tay gộp 700 viện này thành 70 viện, rồi từ 70 thành 7 không? Theo tôi việc chúng ta xây dựng thêm một loạt các viện nghiên cứu mới cũng là tín hiệu tốt nhưng xét với tình hình kinh tế hiện nay đầu tư cho hoạt động nghiên cứu cho 700 viện so với 705 hay 710 viện thì việc này có nhiều khả năng đem lại hiệu quả không như mong đợi. Vấn đề là cần những giải pháp mạnh mẽ, đồng loạt, đôi khi là hơi độc đoán thì mới mong tình hình khác đi được.

Tôi xuất phát là một nông dân. Khi mà tôi trồng cải củ, ban đầu gieo hạt để cho tất cả các hạt có cơ hội phát triển. Sau một thời gian, tôi tỉa bỏ những cây yếu để rộng chỗ cho cây khỏe phát triển. Nếu tôi để tất cả các cây phát triển cùng nhau thì làm sao có được những củ cải to khỏe có khả năng cạnh tranh bán ngoài chợ được.

VJS: Theo thầy thì chính phủ cần có những bài toán cụ thể mới có thể thu hút được các nhà khoa học ở khắp nơi tham gia. Mặc dù vậy thầy cũng biết là trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài tồn tại nhiều ý kiến bất đồng, trái chiều về tình hình chính trị trong nước. Vậy thì nếu chính phủ giao cho họ các nhiệm vụ cụ thể, có khi nào vì những khác biệt đó, các nhà khoa học nước ngoài sẽ từ chối tham gia?

GS. TS. Trương Nguyện Thành: Khác biệt chính trị ở đâu cũng có. Ngay cả ở Mỹ cũng thế thôi, người ủng hộ Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa cũng khó thống nhất ý kiến về mặt chính trị. Nhưng những khác biệt đó không quá lớn và có thể sẵn sàng gạt bỏ sang một bên cho những mục đích cao hơn. Tôi đã tiếp xúc với nhiều nhà khoa học VIệt Nam ở nước ngoài. Đa số họ đều yêu nước, rất mong muốn cống hiến cho quê hương. Nhưng vấn đề là chưa có môi trường với những cơ chế phù hợp và những bài toán cụ thể nên nhiều người vẫn loay hoay không biết giúp đỡ đất nước thế nào. Tôi tin là nếu chính phủ tin tưởng tạo điều kiện cho các nhà khoa học cống hiến, chắc chắn số lượng người tham gia vào các dự án đó sẽ không phải là ít. Quan trọng nhất là chúng ta phải thay đổi tư duy.

VJS: Lại nói về đổi mới tư duy, thầy nghĩ sao về việc ĐH. Tôn Đức Thắng tự phong giáo sư thời gian gần đây. Việc này giống cách làm của các ĐH nổi tiếng trên thế giới nhưng liệu có nên áp dụng ở Việt Nam thời điểm hiện nay?

GS. TS. Trương Nguyện Thành: Cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều nhau về việc này. Số người ủng hộ cũng nhiều mà số người phản đối cũng không phải là ít. Cá nhân tôi nghĩ, Việt Nam cần có cải cách mạnh mẽ trong giáo dục. Trường đại học nên có được nhiều quyền tự chủ hơn, bao gồm cả việc bổ nhiệm và trả lương giáo sư. Chúng ta cần phải tạo ra được sự cạnh tranh giữa các trường đại học, không có cạnh tranh thì không thể phát triển được. Nếu trường ĐH Tôn Đức Thắng có đủ cơ sở vật chất để nghiên cứu, đủ tiền để trả cho những nhà khoa học tài ba thì tại sao lại không cho phép để họ quyền phong giáo sư, từ đó tạo nên một phong trào đổi mới trong giáo dục. Sự thay đổi này có mang lại kết quả gì không thì chưa biết, nhưng ít nhất nó tạo cơ hội cho các trường đại học cạnh tranh với nhau.

VJS: Một số ý kiến phản biện lại cho rằng, trường ĐH Tôn Đức Thắng làm như vậy là đánh tráo khái niệm, vì ở Việt Nam, chức danh giáo sư là một chức danh cao quý, phải qua quy trình sàng lọc nghiêm ngặt của hội đồng chức danh nhà nước. Thầy có cho rằng từ việc làm của trường ĐH Tôn Đức Thắng có thể dẫn đến các nơi khác, đâu đâu cũng tự phong giáo sư cho riêng mình, dẫn đến loạn giáo sư, không biết đâu là thật, đâu là giả?

GS. TS. Trương Nguyện Thành: Bao giờ cũng vậy thôi, khi đã chấp nhận thay đổi thì ban đầu sẽ luôn luôn có nhiều xáo trộn. Bạn có thể hiểu được những xáo trộn trong xã hội cũng như giáo dục khi Việt Nam đổi từ chữ Nôm qua chữ Quốc ngữ! Quyền tự chủ cho ĐH chỉ là một thay đổi nhỏ. Tôi đồng ý là bây giờ nếu cho các trường quyền phong giáo sư thì sẽ dẫn đến nhiều thay đổi và việc loạn giáo sư có thể xảy ra. Nhưng chúng ta cần xác định lại: Vị trí Giáo sư là để làm gì? Vai trò của giáo sư là để giảng dạy và nghiên cứu. Điều đó có nghĩa là giáo sư cần phải gắn liền với trường đại học hoặc viện nghiên cứu. Nếu giáo sư không đi dạy, hoặc không làm nghiên cứu thì không có lý do gì lại tiếp tục mang chức danh giáo sư cả. Và ngoài ra, chức danh giáo sư gắn liền với trường ĐH mà họ được cấp. Ở Mỹ, giáo sư ở trường đại học cao đẳng cộng đồng hoàn toàn khác với giáo sư ở trường Havard. Điều đó sẽ hiện rõ trên bản lý lịch của mỗi giáo sư. Tôi từng hợp tác nghiên cứu với một số nhóm ở Thái Lan từ 1995. Hệ thống giáo dục của Thái Lan lúc ấy rất giống Việt Nam bây giờ. Vào những năm cuối của 1990’s Thái Lan bắt đầu có những thay đổi hệ thống giáo dục của họ từ việc cho thêm quyền tự chủ cho ĐH. Giờ đây họ có 7 trường ĐH trong danh sách QS World University Top-200. Tại sao chúng ta không học những gì Thái Lan đã làm. 

Do đó quay lại vấn đề chính, chúng ta nên để các trường đại học, cộng đồng khoa học gia chuyên môn, và kể cả các sinh viên đánh giá giáo sư. Chúng ta nên có can đảm để có những đột phá. Mặc dù việc phong giáo sư sẽ dẫn đến hỗn loạn ban đầu nhưng rồi cũng sẽ ổn định.  Không thể để sợ hãi mà không dám làm việc cần phải làm để dẫn đến thay đổi nhận thức và mang lại một sự cạnh tranh bình đẳng trong môi trường học thuật. Không chỉ thế, làm như vậy cũng sẽ tạo động lực cho các giáo sư, để những người có hàm giáo sư lúc nào cũng phấn đấu và tích cực trong nghiên cứu và giảng dạy.

VJS: Tuy nhiên thưa thầy, cũng có ý kiến cho rằng đúng là việc tự phong giáo sư ở các trường đại học là giống với quy trình ở các nước tiên tiến như Mỹ hay Canada. Mặc dù vậy, đó đều là các trường rất nổi tiếng với truyền thống lâu đời. Do đó việc phong giáo sư ở Việt Nam, nếu có, nên bắt đầu với những trường đại học lớn như ĐH Quốc Gia, ĐH Bách Khoa, ĐH Sư phạm … chứ không nên là 1 trường nhỏ như trường ĐH Tôn Đức Thắng

GS. TS. Trương Nguyện Thành: Nhận định đó là hoàn toàn sai lầm. Hầu như tất cả các ý tưởng đột phá trên thế giới đều đến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) hoặc từ một vài người. Ở những tập đoàn lớn như Microsoft hay Google, họ thường đi mua những công ty start-ups có ý tưởng mới và độc phá.  Khi họ khởi nghiệp thì họ có rất nhiều động lực để đột phá vì nếu không thì doanh nghiệp của họ tự khắc chết yểu. Nhưng khi đã trưởng thành, lớn mạnh rồi thì các thể chế đó thường mất đi động lực đột phá ban đầu.

Trường ĐH Quốc Gia, ĐH Bách Khoa không có động lực cạnh tranh vì tự bản thân họ đã là những trường đại học lớn và có danh tiếng rồi.  Những trường ĐH nhỏ và mới như ĐH Tôn Đức Thắng hay ĐH Duy Tân cần những ý tưởng đột phá để có thể cạnh tranh và tồn tại. Mặc dù có thể những ý tưởng đó không giống với cách suy nghĩ bình thường ở Việt Nam, nhưng đó mới là nơi có động lực để tạo nên những đột phá.

Tạp chí Vietnam Journal of Science xin trân trọng cảm ơn thầy vì những chia sẻ thẳng thắn và chân thành về tình hình khoa học, công nghệ và giáo dục ở Việt Nam. VJS xin chúc thầy nhiều sức khỏe và mọi điều thuận lợi trên con đường nghiên cứu khoa học của thầy.

Thực hiện: Lãng Du và Thanh Hương

Comments

Add new comment

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
Image CAPTCHA
Enter the characters shown in the image.