GotIt! - Ngôi sao mới nổi trên Apple App Store !  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

 

Hình 1: TS. Trần Việt Hùng trong văn phòng GotIt! ở Silicone Valley

Tốt nghiệp tiến sỹ chương trình Khoa học máy tính (Computer Science) Đại học Iowa, T.S. Trần Việt Hùng không đi theo con đường khoa học mà lại chuyển sang con đường kinh doanh. Công ty đầu tiên, Tutor Universe được thành lập từ khi anh còn đang làm nghiên cứu sinh và đã gây được nhiều tiếng vang trong nhiều trường đại học cũng như cộng đồng sinh viên du học nói chung. Tiếp nối thành công của Tutor Universe, anh phát triển ứng dụng GotIt! trên iPhone và đã thuyết phục được nhiều nhà đầu tư khó tính ở thung lũng Silicon. Tính đến tháng 10/ 2015, GotIt! là 1 trong 10 ứng dụng về giáo dục được tải về (download) nhiều nhất trên mạng Apple App Store Mỹ. Vietnam Journal of Science xin giới thiệu câu chuyện từ một nhà khoa học chuyển sang làm kinh doanh của tiến sỹ Trần Việt Hùng.

Chào anh Hùng. Cảm ơn anh đã nhận lời phỏng vấn của VJS. Xin anh cho biết ý tưởng nào đã dẫn anh đến với Tutor Universe? Anh có thể giới thiệu qua về mô hình hoạt động và cách thức sử dụng dịch vụ này được không?

Tôi đến với ý tưởng này khoảng năm 2011 khi tôi làm gia sư để kiếm thêm thu nhập trong thời gian làm nghiên cứu sinh ngành Computer Science, Đại học Iowa. Trong quá trình làm gia sư, tôi nhận thấy sự mất cân bằng giữa nguồn cung và cầu: có nơi có nhiều gia sư nhưng ít sinh viên cần đến, có nơi thì lại ít gia sư nhưng nhu cầu lại rất nhiều. Tôi muốn tìm cách kết nối nguồn cung cầu này bằng mô hình online marketplace. Ban đầu cũng mất khá nhiều thời gian tìm hiểu các sản phẩm khác xem người ta kết nối cung cầu như thế nào để xây dựng Tutor Universe.

Về cơ bản Tutor Universe là một nền tảng (platform) kết nối gia sư và sinh viên bất kể người dùng ở đâu và vào thời điểm nào. Người dùng sẽ tạo tài khoản, tự kết nối và định giá dịch vụ. Công ty chỉ cung cấp các công cụ dạy học trực tuyến, cách thức thanh toán, cũng như hỗ trợ kỹ thuật để người dùng có thể tương tác hiệu quả như dịch vụ gia sư thông thường. Tutor Universe thu phí 25% cho mỗi lần giao dịch.

Tutor Universe hiện nay đã thu hút hơn 8.000 gia sư đến từ hơn 50 quốc gia đăng ký giảng dạy hơn 4.500 môn học. Do đó, người dùng có thể sử dụng dich vụ 24/7, mọi lúc mọi nơi.

Thời gian đầu, kinh phí hoạt động của công ty hầu hết đến từ tiền thưởng các cuộc thi kế hoạch kinh doanh do trường tổ chức. Bên này các trường đại học hay tổ chức các cuộc thi như vậy để sinh viên có cơ hội biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Năm 2012 tôi đã thắng tất cả các cuộc thi trong trường, mỗi lần tầm 10-15 ngàn đô, tổng cộng cũng được tầm 60 ngàn đô. Đây là một cách tốt để kiếm vốn mở công ty.

Tutor Universe là 1 sự đột phá so với dịch vụ gia sư truyền thống. Tại sao anh không tiếp tục phát triển Tutor Universe mà lại chuyển hướng sang GotIt!?

Tutor Universe đã trở thành một mạng lưới tìm kiếm gia sư online khá thành công, giải quyết được vấn đề cung - cầu giữa gia sư và sinh viên một cách nhanh chóng và tiện lợi hơn dịch vụ gia sư truyền thống. Mặc dù vậy, thị trường này đã tương đối bão hòa và khó có thể phát triển thêm. Một công ty cung cấp dịch vụ tương tự và thành lập cùng thời điểm với Tutor Universe là InstaEdu được mua lại với giá khá khiêm tốn nên chúng tôi đánh giá nếu phát triển tiếp thì Tutor Universe có thể là một công ty khá chứ khó có thể thành công ty lớn được.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Tutor Universe, tôi khám phá ra một thị trường lớn hơn, tiềm năng hơn-  nơi mà mọi người sẵn sàng chi tiền cho dịch vụ. Đó chính là thị trường ứng dụng trên smart phone. Xu hướng giới trẻ bây giờ là sử dụng các ứng dụng điện thoại hơn là website truyền thống. Chủ yếu bây giờ, smartphone được dùng để vào facebook, chat chit hay chụp hình đăng lên các trang mạng xã hội. Nếu có thể hướng những thói quen sử dụng smartphone vào việc có ích như việc học tập chắc chắn sẽ giúp được cho rất nhiều người. Từ suy nghĩ đó cộng với kinh nghiệm trong thời gian xây dựng Tutor Universe, tôi và các đồng nghiệp đã bắt tay làm GotIt!, 1 ứng dụng về giáo dục trên iphone.

Nói một cách nôm na, GotIt! giúp sinh viên có thể làm bài tập thông qua smartphone. Người dùng có thể chụp ảnh homework, upload lên GotIt!,  trong vòng 10 đến 15 giây hệ thống sẽ kết nối sinh viên với một chuyên gia phù hợp với sinh viên đó nhất. Chuyên gia sẽ hướng dẫn chi tiết cách giải bài tập đó và giải đáp các câu hỏi mà sinh viên muốn hỏi thêm. Toàn bộ quá trình này diễn ra trong vòng 10 phút. Sự nhanh nhạy về thời gian là một yếu tố quan trọng mà hiện nay chưa có sản phẩm nào làm được như GotIt!, đó là điều thu hút các nhà đầu tư. Để làm được điều đó thì chúng tôi đã xây dựng mạng lưới chuyên gia đông đảo, ở nhiều nơi trên thế giới để đảm bảo khi có câu hỏi thì có thể sẽ luôn có câu trả lời.

Có người hỏi tôi, tại sao tiêu chuẩn của GotIt! lại là 10 phút? Bởi vì hai lý do: thứ nhất là chúng ta đều mong có câu trả lời ngay sau câu hỏi. Có những trang web hỏi đáp trực tuyến rất hay, ví dụ như Quora, nhưng mỗi câu hỏi đăng lên có khi mất vài ngày mới có được câu trả lời. Đôi khi, câu trả lời đến lúc không còn cần thiết nữa. Lý do thứ hai là chỉ với 10 phút, chúng tôi có thể dễ dàng thu hút được chuyên gia ở rất nhiều nơi khác nhau. Nếu tôi hỏi chuyên gia có thể có 1 tiếng/ngày để giúp sinh viên không thì chắc chắn sẽ rất nhiều người từ chối vì không có thời gian. Nhưng nếu tôi hỏi có 10 phút rảnh rỗi một ngày không thì số người nói có sẽ tăng lên rất nhiều. Thật ra hầu như chúng ta ai cũng có 10 phút  rảnh rỗi trong ngày - như lúc đợi xe bus hay khi đi tàu điện, lúc uống cafe… Nếu có thể dùng khoảng thời gian rảnh rỗi đó để giúp người khác và kiếm them thu nhập thì sẽ là việc rất tốt. Vậy nên với chiến lược “10 phút”, GotIt! giúp thỏa mãn cho cả người sử dụng lẫn người tư vấn. Theo số liệu chúng tôi thống kê thì thời gian trung bình để giải quyết vấn đề trên Gotit! thật ra chỉ khoảng 6.5 phút!

Ý tưởng về ứng dụng GotIt! quả thật rất tuyệt vời. GotIt! đã nhận được điểm review rất cao từ người sử dụng. Với ý tưởng độc đáo như vậy, fund-raising có lẽ không phải vấn đề quá khó khăn với các anh?

Ồ không! Fundraising is always crazy: D Các nhà đầu tư ở Silicon Valley mỗi ngày nhận được cả trăm kế hoạch kinh doanh, mỗi kế hoạch đều là các ý tưởng thay đổi thế giới. Mình phải làm sao để người ta tin tưởng và đặt cược vào mình chứ không phải nơi khác. Đó là cả một quá trình chứ không phải chỉ đến chém gió linh tinh là được người ta viết cho cái check cả triệu đô.

Cái mà các nhà đầu tư quan tâm là việc thị trường có hứng thú với sản phẩm hay không, mình giải quyết vấn đề cho người dùng như thế nào, có khả năng tạo nên sự khác biệt hay không. Không phải nhà đầu tư nào cũng tin vào kế hoạch kinh doanh của mình, có nhiều người cho rằng mình không thể thành công được với ý tưởng đó. Whatsapp trước khi nổi tiếng cũng đã từng bị một số nhà đầu tư cho là vớ vẩn. Thêm vào đó họ sẽ nhìn xem thị trường mà mình tung sản phẩm ra có đủ lớn và hấp dẫn hay không. Các nhà đầu tư lúc nào cũng có tư tưởng tìm the next Google và next Facebook nên họ phải thấy được một thị trường thật tiềm năng để quyết định xem xét đầu tư. Cuối cùng là team, bạn có sản phẩm ban đầu tốt, có thị trường tốt nhưng có một team tuyệt vời để biến những thuận lợi ban đầu này thành một công ty thành công hay không.

Để tiếp cận với các nguồn vốn, anh có cần phải có mối quan hệ trước với các nhà đầu tư không?

Thật ra là không cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải tìm hiểu kỹ về các nhà đầu tư trước khi tiếp cận với họ, tính cách và phong cách làm việc của họ ra sao, các mục đầu tư trước đây của họ như thế nào, rồi lập 1 danh sách những người mình muốn tiếp cận. Trong danh sách đó những người mình không quen biết từ trước thì nên nhờ người quen khác giới thiệu mình với họ. “Có quan hệ" chỉ dừng lại như thế thôi.

Sau đó thì cần trải qua vài buổi gặp gỡ. Buổi đầu tiên phải làm sao cho các nhà đầu tư thấy hứng thú với ý tưởng của mình và team của mình. Buổi thứ hai thì đi vào kế hoạch kinh doanh của mình một cách cụ thể hơn, làm sao để cho họ thấy khả năng phát triển thành công của kế hoạch đó. Nếu thuyết phục được họ thì lần tiếp theo mình sẽ được gặp cả những đối tác của họ, và phải cố gắng thuyết phục cả những đối tượng đó. Khi họ cùng đồng thuận thì lúc đó mới được chính thức đi vào quá trình tìm hiểu chi tiết để tiến tới đầu tư.

Đấy là cả một quá trình dài và nên dành thời gian tìm hiểu kỹ, vì khi người ta đầu tư vào dự án của mình thì họ cũng sẽ có mặt trong hội đồng quản trị, mình sẽ phải làm việc với người ta cả quãng đời của công ty, giống như là hôn nhân nhưng không có quyền ly hôn vậy.

Để  GotIt! có thể nhận được cái gật đầu của nhà đầu tư chắc nhóm của anh đã phải làm việc rất vất vả. Anh có thể chia sẻ một chút về cách xây dựng nhân sự cho startup từ hồi còn làm Tutor Universe đến GotIt! sau này được không?

Hồi đầu với Tutor Universe, tôi hợp tác cùng một người bạn Mỹ trong cùng nhóm nghiên cứu với mình ở Đại học Iowa. Vì du học sinh không được phép làm gì ngoài những công việc trong trường nên tôi cần có một người ở đây đứng ra mở công ty một cách hợp pháp. Do đó, tôi đã thuyết phục bạn đó tham gia đồng sang lập công ty. Lúc đó chúng tôi đều đang là nghiên cứu sinh và muốn làm một điều gì đó khác biệt hơn công việc nghiên cứu hàng ngày. Bạn này sau đó máu quá bỏ học luôn.

Từ Tutor Universe đến GotIt!, việc xây dựng bộ máy nhân sự là cả một quá trình dài. Ban đầu chúng tôi chỉ có 2 người. Sau đó tôi về Việt Nam tìm kiếm những mối quan hệ cũ để thuyết phục họ tham gia với mình. Bây giờ công ty có 30 người, trong đó có 8 người ở Việt Nam. Ở trụ sở chính của công ty ở Silicon Valley tôi cũng dành rất nhiều thời gian để tuyển người giỏi về với GotIt! nên công ty càng ngày càng mạnh.

Hình 2: TS. Trần Việt Hùng (thứ 4 từ phải sang) cùng team GotIt! tại Việt Nam

Anh đánh giá sao về cách làm việc của các bạn trẻ Việt Nam trong công ty?

Thật ra mình toàn tuyển những người mình đã biết, hoặc qua giới thiệu của người quen. Phần kỹ thuật của GotIt! được xây dựng hoàn toàn bởi nhóm ở Việt Nam! Nhìn chung là kỹ thuật thì các bạn làm rất tốt, chỉ có điều là lối suy nghĩ trong kinh doanh và xây dựng sản phẩm cần được cải thiện hơn. Vì hầu hết các kỹ sư thường tư duy theo lối kỹ thuật, hay có khuynh hướng làm cho mọi thứ phức tạp hơn mức cần thiết.

Tâm lý chung với nhiều người là chỉ thích thiết kế những sản phẩm lớn cho hàng trăm triệu người dung ngay từ ngày đầu tiên. Trong khi đối với startup thì chúng ta cần những sản phẩm nhỏ để thử nghiệm xem như thế nào trước đã, và các sản phẩm đó phải được đưa đến người dùng càng nhanh càng tốt, để có thể có phản hồi sớm nhất để làm cho sản phẩm tốt hơn. Quá trình đó được lặp đi lặp lại nhiều lần cho tới khi có được một sản phẩm thật hoàn thiện. Tư duy xây dựng sản phẩm như thế này là tương đối khác biệt với rất nhiều kỹ sư phần mềm ở Việt nam vốn dĩ rất quen với cách làm outsourcing.

Khó khăn ban đầu như vậy nhưng nhìn chung team ở Việt Nam  bây giờ đã hoạt động tốt rồi. Tôi cũng thường xuyên có những chương trình đưa các bạn từ Việt Nam qua Silicon Valley để học hỏi, và cũng đưa các kỹ sư bên Mỹ về Việt nam làm việc để đội ngũ kỹ sư có nhiều thời gian làm việc cùng nhau và tự học hỏi lẫn nhau.

Từ một nhà khoa học chuyển sang làm kinh doanh với anh có phải là một điều bất ngờ không? Anh có thể chia sẻ 1 vài khó khăn trong quá trình làm doanh nghiệp với bạn đọc VJS?

Việc chuyển từ khoa học sang kinh doanh đối với tôi không có gì quá bất ngờ. Ngay từ đầu khi sang Mỹ tôi đã xác định học hỏi bất cứ cái gì mà mình không được học ở Việt Nam. Ở trong nước thì khi bạn đã theo học trường nào rồi thì gần như phải theo ngành nghề đó cả đời. Nhưng bên này linh hoạt hơn. Chẳng hạn như ông trưởng khoa trường tôi, trước đây ông học đại học ngành thanh nhạc, chơi piano, sau đó mới chuyển qua khoa học máy tính.

Tôi ngay từ đầu đã định hướng nghề nghiệp cho mình không phải là theo con đường học thuật. Vậy nên bằng tiến sĩ khoa học máy tính của tôi chỉ mất hơn 4 năm để hoàn thành, vì chỉ cần đủ yêu cầu tốt nghiệp. Tôi nghĩ rằng cần phải biết mục tiêu của mình là gì và có chiến lược cụ thể để không bị mất thời gian vào những việc không quá quan trọng. Nếu tôi xác định theo con đường làm nghiên cứu thì hướng đi đã khác.

Từ học kỳ thứ 2, tôi đã sang trường kinh doanh để lấy các lớp liên quan đến công việc sau này như  leadership, tài chính, marketing, PR… Nếu bạn nhìn vào bảng điểm của tôi thì sẽ thấy số lớp kinh doanh tôi học cũng tương đương với số lớp ngành khoa học máy tính. Đó là cách tôi tích luỹ những kiến thức mình chưa có. Ở Đại học Iowa tôi có một lợi thế là có thể lấy các lớp ở trường kinh doanh một cách thoải mái và hoàn toàn miễn phí, mình chỉ không có đủ thời gian để lấy hết các lớp mà mình mong muốn.

Đối với các công ty startup thì bao giờ cũng có đầy khó khăn :D. Vấn đề là mình phải tìm được người giỏi nhất để giúp công ty giải quyết các khó khan đó. Ví dụ là đầu năm 2015, khi sản phẩm đang ở giai đoạn phát triển mạnh thì số chuyên gia không đủ để đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Vậy nên, tôi phải tìm sự kiếm sự giúp đỡ từ những người có kinh nghiệm. Đối với mô hình marketplace như GotIt! thì vấn đề cỏ đủ nguồn cung là cực kỳ quan trọng, nếu không khách hang không được đáp ứng nhu cầu họ sẽ bỏ đi hết. Lúc đó ở Silicon Valley chỉ có 2 công ty giỏi về tang cường nguồn cung để cân bằng giữa cung và cầu là Uber và Lyft. Tôi đã cố gắng thuyết phục được người phụ trách việc tuyển lái xe cho Lyft tham gia GotIt!, bạn này đã có thành tích tuyền từ 400 lên đến 4500 lái xe/tuần cho Lyft và trước đó làm quản lý cho dự án Google Books. Khi có người đó sang làm việc cho GotIt!, mọi thứ vận hành tốt hơn nhiều. Hoặc khi chúng tôi cần tang số lượng sinh viên nhanh, tôi đã thuyết phục một bạn khác đã từng giúp OpenFeint/GREE tang số lượng người dung từ 0 lên 240 triệu trong vòng 3 năm. Khi bạn  này và bạn quản lý chuyên gia làm việc với nhau thì cả cung và cầu đều tăng lên chóng mặt khiến hạ tầng kỹ thuật nhiều khi không xử lý nổi. Lúc này việc của tôi là đi tìm được một chuyên gia về kỹ thuật. Đại loại quá trình cứ như thế. Rất căng thằng tuy nhiên cũng rất vui, những ai không làm startup thì sẽ rất khó có được những cảm giác như thế.

Khi sản phẩm đã lớn mạnh rồi cũng phải cẩn thận không để cho phụ huynh hoặc truyền thông cho rằng sản phẩm của mình giúp sinh viên gian lận thi cử. Mình không phải giáo viên thì phải tuyển các giáo viên giỏi, giúp sinh viên học tập thật sự, giải thích từng bước để sinh viên hiểu chứ không chỉ là đưa ra đáp án cho xong. Nếu gia sư nào vi phạm thì sẽ bị khoá tài khoản vĩnh viễn. Nói chung cũng mất khá nhiều thời gian để thử nghiệm và xây dựng một sản phẩm hoàn chỉnh.

Ngoài ra cạnh tranh khốc liệt cũng là một vấn đề đặc biệt là ở Silicon Valley với rất nhiều tiền và nhân tài. Khi bạn mới thực hiện một ý tưởng nào đó thì có nhiều người quan sát xem sản phẩm của bạn có được hưởng ứng hay không. Khi bạn chứng minh được sản phẩm có người dung là nhiều người nhảy vào copy sản phẩm và nhiều khi còn nhanh hơn cả bạn. Do đó bạn lúc nào cũng phải có những chiến lược để đi trước đối thủ nếu không cơ hội thất bại là rất cao.

Rồi nhân sự cũng có những diễn biến phức tạp không lường trước được. Khi chúng tôi mới làm Tutor Universe vì chưa có nhiều kinh nghiệm để vận hành công ty nên chúng tôi quyết định thuê CEO. Bạn này không giúp được gì nhiều cho công việc kinh doanh nên người đó đã phải rời công ty. Giải quyết việc này cực kỳ rắc rối và căng thẳng vì bạn có thể bị kiện ra toà nếu bạn không làm đúng luật. Sau một thời gian làm việc và học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những người đi trước đặc biệt là những mentor của tôi như Peter Relan, Guy Kawasaki, Jerry Held, tôi cảm thấy mình tự đảm nhận được vị trí này và đã đảm nhiệm vai trò CEO của công ty từ khi chuyển qua Silicon Valley.

Trong tương lai, anh có những dự định gì để phát triển GotIt! ?

Hiện giờ thì GotIt! mới chỉ dành cho những người sử dụng được tiếng Anh. Tôi cũng nhận được nhiều lời mời của nhiều đối tác mở rộng thêm cho các ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha… Tuy nhiên, trước mắt tôi sẽ tập trung phát triển thị trường trong cộng đồng các nước sử dụng tiếng Anh vì xét cho cùng đó là ngôn ngữ phổ biển nhất hiện nay. Sau khi đã có chỗ đứng vững chắc rồi chúng tôi sẽ mở rộng sang các thị trường khác, tôi không loại trừ với cả Tiếng Việt trong đó.

Có thể bạn nghĩ là mở thêm một ngôn ngữ chỉ cần thêm một thanh công cụ nữa là được. Tuy nhiên thực tế không đơn giản như vậy vì chúng tôi sẽ phải nghiên cứu văn hóa của nước đó, thị hiếu cũng như cách sử dụng sản phẩm của người dân nước đó để có chiến lược marketing phù hợp. Đó là cả 1 quá trình rất dài chứ không chỉ đơn giản gõ vài lệnh trên máy tính.

Ngoài ra GotIt! bây giờ chủ yếu tập trung vào mảng Giáo dục. Trong tương lai, tôi muốn mở rộng ra nhiều mảng hơn nữa như kỹ thuật, du lịch, sức khoẻ, …, bất cứ ai có câu hỏi hay thắc mắc gì cũng có thể chụp hình lại và gửi cho GotIt!. Chẳng hạn như khi bạn đi leo núi, thấy một cái cây không biết nó tên là gì có thể chụp ảnh lại và hỏi, hay khi bạn đi siêu thị, phân vân không biết chọn sản phẩm cũng có thể đưa lên GotIt!. Tôi hy vọng một ngày nào đó GotIt! sẽ trở thành xu hướng mới để tìm kiếm thông tin trên internet, bổ sung cho cách sử dụng Google như hiện nay.

Hình 3: Ứng dụng GotIt! trên Iphone

Những dự định phát triển GotIt! của anh thật đáng khâm phục. Ở trong nước hiện nay cũng có rất nhiều bạn trẻ cũng đang muốn thành lập startup riêng. Với kinh nghiệm thành công khi phát triển GotIt!, anh có lời khuyên gì với những bạn trẻ VN đam mê startup?

Tôi chưa từng làm startup ở Việt Nam nên không biết môi trường và thị trường như thế nào, nhưng có một nguyên tắc chung là: phải bắt tay vào làm ngay. Nếu thất bại thì thất bại luôn chứ không nên chém gió nhiều. Đó là sự khác biệt giữa những người có cơ hội thành công và những người chả bao giờ làm được gì. Nếu có những ý tưởng triệu đô mà chỉ nói quá nhiều, không bắt tay vào làm ngay thì cũng sẽ không được cái gì cả. Nhiều sản phẩm xuất phát từ ý tưởng rất hay nhưng khi đưa ra thị trường thì không ai sử dụng. Cho nên nếu cứ giữ ý tưởng đó vài năm thì không biết được thực tế nó sẽ như thế nào.

Nghĩ đơn giản thế này nhé, thế giới có 7 tỷ người, xác suất hàng trăm người có chung một ý tưởng là khá cao. Cái khác biệt là ở chỗ người nào nhanh tay thực hiện và chứng minh được là ý tưởng đó có khả thi hay không. Mình phải biết điều đó sớm để nếu thấy khả thi thì phát triển tiếp, không thì làm cái khác, đỡ mất thời gian, tốn công sức và tiền bạc.

Nhưng anh có nghĩ rằng thất bại sẽ tạo ấn tượng xấu đối với các nhà đầu tư?

Còn tuỳ theo cách mình thất bại như thế nào: chủ động hay vô trách nhiệm. Có những người khi biết công ty không làm ăn được thì đóng cửa sớm và trả lại tiền cho nhà đầu tư, có những người thì cố tiêu cho đến hết đồng tiền cuối cùng.

Nếu mình đã làm hết cách, thử mọi phương án rồi mà vẫn không cứu chữa được thì không sao. Các nhà đầu tư cũng luôn biết khả năng rủi ro khi đặt cược vào mình.

Không nên sợ thất bại. Ở Việt Nam thì thất bại là điều gì đó xấu hổ nhưng ở Silicon Valley, thất bại là chuyện thường xuyên. Điều quan trọng là mình học được gì, và thái độ của mình như thế nào.

Vietnam Journal of Science xin cảm ơn những chia sẻ rất chân thành và hữu ích của TS. Trần Việt Hùng trong quá trình phát triển GotIt!. Hy vọng là các bạn trẻ ở Việt Nam sẽ hiểu thêm về cách xây dựng và thành lập một startup. Chúng tôi xin chúc anh thành công với những dự định lớn lao của mình và mong rằng GotIt! sẽ trở thành một Google, Facebook mới trong tương lai không xa!

Thực hiện: Lãng Du và Mindy

---
Cơ hội cho bạn đọc VJS, GotIt! đang tích cực mở rộng team ở Hà nội với các vị trí sau:
- 02 Senior Android Engineers
- 01 Senior Backend Engineer
- 01 QA Engineer 
Thông tin cụ thể về các vị trí đang tuyền có tại: https://jobs.lever.co/gotit
 
Ngày đăng bài:  11/19/2015
Category: