Vi khuẩn gây bệnh đường ruột đa kháng tại một bệnh viện và ý nghĩa của việc kiểm soát nhiễm trùng bệnh viện  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Phạm Thị Mộng Quỳnh

Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên - ĐHQG TP. HCM

Sự xuất hiện của vi khuẩn đa kháng thuốc là một trong những hiện tượng lâm sàng và sinh học được quan tâm nhất trong suốt thế kỷ qua. Kể từ khi phát hiện ra kháng sinh vào những năm 1920, mỗi khi kháng sinh mới được phát hiện thì đều xuất hiện tình trạng kháng kháng sinh một cách nhanh chóng. Trong đó, đã có sự gia tăng mạnh mẽ các yếu tố quyết định đến cơ chế kháng kháng sinh trong quần thể vi khuẩn. Sự linh hoạt của bộ gen vi khuẩn và lựa chọn điều trị bằng kháng sinh là gốc rễ của vấn đề. Sự tiến hóa của bộ gen và sự xuất hiện của các dòng đa kháng thuốc trong các mầm bệnh khác nhau đã khiến điều này trở thành một thách thức toàn cầu [1]

Một trong những vấn đề đang được quan tâm hiện nay là tình trạng vi khuẩn đường ruột gây bệnh đa kháng thuốc tại các bệnh viện. Các nguồn lây nhiễm tại bệnh viện có thể được phân loại thành các yếu tố môi trường (như chất lượng nước sử dụng tại bệnh viện, đồ vật, cơ sở hạ tầng), các yếu tố liên quan đến bệnh nhân, vật dụng (phẫu thuật và các thủ thuật xâm lấn, thiết bị và dụng cụ, và sử dụng kháng sinh), sự đông đúc tại bệnh viện và nhân viên y tế. Bên cạnh đó, cách thức vệ sinh tay ở hầu hết các bệnh viện ở các nước đang phát triển cũng là một trở ngại lớn trong việc ngăn chặn sự lây truyền chéo của vi khuẩn đường ruột đa kháng thuốc. Do đó, những bệnh nhân giảm chức năng miễn dịch, tình trạng dinh dưỡng thấp, … khi điều trị tại bệnh viện có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng cao [2].

Năm 2017, Duedo và các cộng sự đã tiến hành một nghiên nhằm xác định mức độ và mô hình kháng kháng sinh của vi khuẩn đường ruột được phân lập từ bệnh nhân và nguồn môi trường tại Bệnh viện Tâm thần Accra, Ghana. Theo nhóm tác giả, ở Ghana, các bệnh viện tâm thần thường có đặc điểm là điều kiện vệ sinh kém cùng với tình trạng quá tải và các yếu tố khác, nên vi khuẩn đường ruột gây bệnh có thể dễ dàng lan truyền trong những môi trường này. Nhiễm trùng bệnh viện thật sự trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng nhưng có ít thông tin về sự xâm nhiễm của vi khuẩn liên quan đến tình trạng kháng kháng sinh.

Theo nghiên cứu này, tổng cộng có 265 mẫu được thu thập từ địa điểm nghiên cứu bao gồm 142 mẫu phân và 82 mẫu nước tiểu của bệnh nhân, 7 mẫu của tay nắm cửa và 3 mẫu nước uống. Nhìn chung, 232 vi khuẩn đường ruột gây bệnh đã được phân lập. Escherichia coli là phổ biến nhất (38,3%), tiếp theo là Proteus (19,8%), Klebsiella (17,7%), Citrobacter (14,7%), Morganella (8,2%) và Pseudomonas (1,3%).

Tất cả các chủng phân lập đều kháng với ampicillin nhưng nhạy cảm với cefotaxime. Mức độ kháng kháng sinh dao động từ 15,5% đến 84,5%. Đa kháng thuốc phổ biến nhất (100%) trong số các chủng Proteus Morganella và ít phổ biến nhất trong số các chủng Pseudomonas (33,3%). Dữ liệu của nghiên cứu này cho thấy rằng tình trạng đa kháng thuốc giữa các vi khuẩn đường ruột tại bệnh viện Accra là rất cao và có thể lan rộng giữa các sinh vật vi khuẩn đường ruột. N

hững vi khuẩn đường ruột được nghiên cứu trong nghiên cứu này có liên quan đến các bệnh nhiễm trùng bệnh viện khác nhau, và mức độ kháng thuốc cao của chúng có ý nghĩa quan trọng trong điều trị các bệnh nhiễm trùng. Do đó cần phải sàng lọc trước khi điều trị để đảm bảo sử dụng kháng sinh phù hợp.

Hai khuyến cáo được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề này, đó là nâng cao nhận thức của các bác sĩ lâm sàng và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, theo dõi tình trạng kháng kháng sinh ở các vi khuẩn đường ruột gây bệnh, và nghiên cứu thêm để xác định rõ hơn vấn đề và làm thế nào để giải quyết. Đặc biệt, cần phải sử dụng các phương pháp sinh học phân tử để nghiên cứu sâu hơn về tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn đường ruột [2]

Tài liệu tham khảo

[1] Klemm, Elizabeth J., Vanessa K. Wong, and Gordon Dougan. "Emergence of dominant multidrug-resistant bacterial clades: Lessons from history and whole-genome sequencing." Proceedings of the National Academy of Sciences 115.51 (2018): 12872-12877.

https://www.pnas.org/content/115/51/12872.short

[2] Duedu, Kwabena O., et al. "Multidrug resistant enteric bacterial pathogens in a psychiatric hospital in Ghana: implications for control of nosocomial infections." International journal of microbiology 2017 (2017).

https://www.hindawi.com/journals/ijmicro/2017/9509087/abs/

 
Tags: 
Category: