PHỤC HỒI GIÁC MẠC TỪ LIỆU PHÁP TẾ BÀO GỐC TÁI LẬP TRÌNH  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

PHỤC HỒI GIÁC MẠC TỪ LIỆU PHÁP TẾ BÀO GỐC TÁI LẬP TRÌNH

Lê Hoàng Sơn 

Năm 2006, Shinya Yamanaka, nhà sinh học tế bào nổi tiếng người Nhật Bản, đã công bố kết quả của công trình nghiên cứu chấn động giới khoa học thời điểm đó: lần đầu tiên, con người có thể thúc đẩy tế bào đã biệt hóa quay ngược lại thành tế bào gốc. Kết quả này mở ra hi vọng to lớn về tiềm năng ứng dụng trong nghiên cứu và lâm sàng. Giải Nobel Y sinh trao cho Yamanaka năm 2012 càng củng cố niềm hy vọng trên. Tuy nhiên, con đường đi đến ứng dụng lâm sàng của phát kiến này vẫn còn rất nhiều khó khăn. Công trình phục hồi giác mạc bằng tế bào gốc tái lập trình vừa được công bố vào tháng 9 trên tạp chí Nature là một trong số những thành công bước đầu của ứng dụng lâm sàng. VJS xin giới thiệu đến bạn đọc kết quả của công trình đầy hứa hẹn này.

 

Trong một ấn bản hội nghị ngày 29/08/2019, Kohji Nishida – một bác sĩ nhãn khoa Nhật Bản đã lần đầu tiên trình bày về trường hợp một người phụ nữ trung niên tại nước này được điều trị phục hồi giác mạc đã mất bằng liệu pháp tế bào gốc tái lập trình (reprogrammed stem cells-là những tế bào đã biệt hóa được điều khiển để quay ngược thành tế bào gốc).

Giác mạc là một lớp trong suốt ngoài cùng có tác dụng bao bọc và bảo vệ mắt. Mất giác mạc sẽ dẫn đến giảm thị lực, thậm chí mù lòa. 

Hiện nay tại Nhật Bản, những người bị mất giác mạc do bệnh tật hoặc tai nạn nhìn chung chỉ có thể được chữa trị bằng cách cấy ghép giác mạc hiến tặng từ những người đã chết. Tuy nhiên, họ sẽ phải chờ đợi rất lâu do nguồn hiến tặng rất hạn chế.

Để giảm sự phụ thuộc này, Nishida và đồng sự đã tiến hành một hướng nghiên cứu mới. Họ đã tạo ra những mảng tế bào giác mạc từ tế bào gốc cảm ứng (iPS cells). 

Công việc được thực hiện bằng cách tái lập trình các tế bào da trưởng thành của người hiến tặng thành các tế bào có trạng thái giống như các tế bào gốc phôi. Các tế bào này sau đó có thể được chuyển đổi thành các dạng tế bào khác, trong trường hợp này là các tế bào võng mạc.

Sự chuyển đổi kỳ diệu này lần đầu tiên được chứng minh trong một nghiên cứu đột phá của nhà khoa học Nhật Bản Shinya Yamanaka năm 2006. Nhiều người đã không tin khi Shinya Yamanaka nói ông đã phát triển được kỹ thuật tạo ra các tế bào gốc cảm ứng (induced pluripotent stem cells – iPS cells) từ tế bào da.

Nhưng sự thật là Shinya Yamanaka đã làm được. Tiếp nối nghiên cứu của Yamanaka, nhiều nhà khoa học sau đó đã có thể sử dụng các loại tế bào khác nhau thông qua phương pháp tái lập trình để tạo ra tế bào gốc cảm ứng.

Nó đã phá vỡ giới hạn của các tế bào gốc trưởng thành vốn chỉ có thể phát triển thành một loại tế bào xác định cụ thể. Tế bào gốc cảm ứng có thể phát triển thành bất cứ loại tế bào mong muốn khác. 

Trở lại với thử nghiệm của Nishida, ông cho hay giác mạc được phát triển từ tế bào gốc cảm ứng sau khi cấy cho người phụ nữ đã duy trì được trạng thái trong suốt. Một tháng sau ca cấy ghép, tầm nhìn của cô ấy đã được cải thiện.

Những năm gần đây, Nhật Bản đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc phê chuẩn ứng dụng các tế bào gốc cảm ứng vào lĩnh vực y tế. Các bác sĩ Nhật Bản cũng đã từng dùng tế bào gốc cảm ứng để chữa trị cho các bệnh nhân mắc Parkinson, có tổn thương tuỷ sống và các bệnh về mắt khác.

Bộ Y tế Nhật Bản đã cho phép Nishida sử dụng phương pháp của mình để trị liệu cho bốn bệnh nhân. Ca kế tiếp đã được lên kế hoạch thực hiện vào cuối năm nay. Nishida hy vọng trong vòng 5 năm tới, ông sẽ xây dựng được một liệu trình chuẩn để điều trị cho các bệnh nhân mất giác mạc bằng tế bào gốc. 

 

Tài liệu tham khảo:

https://www.nature.com/articles/d41586-019-02597-2

https://www.nature.com/news/how-ips-cells-changed-the-world-1.20079

 

Category: