Liệu việc nói được hai ngôn ngữ có thể giúp cải thiện tình trạng khó khăn trong việc chuyển hướng sự chú ý ở những trẻ mắc Hội chứng Rối loạn phổ Tự kỷ (ASD) hay không?  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Tổng hợp và biên dịch: Nguyễn Huỳnh Thanh Tuấn
Khoa Y – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Email: tuannguyenhuynhthanh@gmail.com

Trẻ mắc Hội chứng Rối loạn phổ Tự kỷ (ASD) thường gặp khó khăn trong việc chuyển hướng sự chú ý của mình từ vấn đề này sang vấn đề khác. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Child Development vào tháng 11 năm 2017, việc nói được hai ngôn ngữ có thể giúp cải thiện tình trạng này.

Hội chứng Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorders – ASD) là gì?

Hội chứng Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là tên gọi của một nhóm các hội chứng rối loạn về tâm thần và phát triển diễn ra trong giai đoạn đầu của thời thơ ấu và kéo dài suốt cuộc đời của người bệnh (1). Năm 2013, trong Cẩm nang Thống kê và Chẩn đoán các Rối loạn tâm thần, Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ đã xếp Hội chứng Asperger, Rối loạn phân li tuổi ấu thơ (Childhood Disintegrative Disorder) và Rối loạn phát triển lan tỏa (Pervasive Developmental Disorder — Not Otherwise Specified, PDD – NOS) thuộc vào nhóm ASD (2). Người mắc Hội chứng Rối loạn phổ Tự kỷ có ba đặc điểm sau: khó khăn trong các tương tác xã hội; kỹ năng giao tiếp kém; hành vi, sở thích và hoạt động bị hạn hẹp và mang tính lặp đi lặp lại (3). Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của những triệu chứng này lại có thể rất khác nhau giữa các bệnh nhân (4, 5). Một số người mắc ASD có thể tự mình thực hiện các sinh hoạt hằng ngày trong khi số khác lại phải cần đến sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Đó chính là ý nghĩa của thuật ngữ “phổ” trong tên gọi của căn bệnh (6).

Hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể biết được chính xác nguyên nhân gây ra ASD. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng những yếu tố về mặt di truyền cộng hưởng với tác nhân từ môi trường bên ngoài rất có thể đã dẫn đến sự hình thành và phát triển của Hội chứng này (7-9). Không những vậy, Rối loạn phổ Tự kỷ hiện chưa có cách để điều trị dứt điểm. Các phương pháp can thiệp và trị liệu hành vi được phát triển cho đến nay chủ yếu nhằm mục đích giảm nhẹ tác động của căn bệnh và giúp người mắc ASD cải thiện tình trạng phát triển của mình (6).

Khả năng “chuyển hướng sự chú ý giữa các vấn đề” (set – shifting) ở những bệnh nhân mắc Hội chứng Rối loạn phổ Tự kỷ

Những nhận thức và hành vi ứng xử của con người đều nhằm mục đích cơ bản là thích ứng với môi trường xung quanh luôn thay đổi. Muốn quá trình này có thể đạt hiệu quả thì một trong những điều kiện tiên quyết là chúng ta cần phải biết “chuyển hướng sự chú ý” của mình từ vấn đề này sang vấn đề khác để từ đó nhận thức được mình đang làm gì, phải làm gì và sẽ làm gì! Các nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng “chuyển hướng sự chú ý giữa các vấn đề” là một yếu tố thuộc vào chức năng điều hành của não bộ (Executive functions – EF), vốn từ lâu đã là hướng trọng tâm trong các nghiên cứu về Hội chứng Rối loạn phổ Tự kỷ (10). Một cách khái quát, đây thực chất là một nhóm các khả năng về mặt nhận thức nhằm mục đích giúp mỗi cá nhân có thể xác định được mục tiêu và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Ngoài khả năng “chuyển hướng sự chú ý”, EF còn bao gồm kỹ năng tổ chức, khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi không phù hợp và trí nhớ ngắn hạn (11, 12). Có thể nói, khó khăn trong việc chuyển hướng sự chú ý từ vấn đề này sang vấn đề khác là một khiếm khuyết rất thường thấy ở những trẻ mắc Hội chứng Rối loạn phổ Tự kỷ khi so sánh với trẻ phát triển bình thường và trẻ mắc các rối loạn phát triển khác (12, 13). Đặc biệt, đây là một yếu tố có liên quan mật thiết với đặc điểm thứ ba ở bệnh nhân mắc ASD đã được nêu ở phần trên (14).

Để đánh giá khả năng “chuyển hướng sự chú ý” ở trẻ, các nhà nghiên cứu thường sử dụng một bài kiểm tra có tên là “Phân loại hình ảnh theo yêu cầu” (Dimensional change card sort – DCCS). Quy trình của DCCS sẽ bao gồm 3 giai đoạn: (15)

Trong giai đoạn 1 (Pre – switch phase): Trẻ sẽ phải phân loại một loạt các hình ảnh xuất hiện nối tiếp nhau theo một yêu cầu cho trước, ví dụ: xếp các hình ảnh cùng màu vào chung một nhóm bất kể hình dạng của chúng như thế nào đi nữa (Hình 1).

Hình 1: Minh họa về cách thức kiểm tra trong giai đoạn 1 của DCCS (15)

Trong giai đoạn 2 (Post – swtich phase): Trẻ sẽ tiếp tục phân loại những hình ảnh vừa rồi nhưng lần này yêu cầu sẽ bị thay đổi, ví dụ: xếp các hình ảnh cùng hình dạng vào chung một nhóm bất kể màu sắc của chúng như thế nào đi nữa (Hình 2).

Hình 2: Minh họa về cách thức kiểm tra trong giai đoạn 2 của DCCS (15)

Trong giai đoạn 3 (Advanced  phase, còn gọi là border version): Trẻ sẽ phải phân loại những hình ảnh theo cả 2 yêu cầu trước đó nhưng phụ thuộc vào đặc điểm của hình ảnh xuất. Ví dụ: phân loại theo màu sắc nếu hình đó có viền bao và phân loại theo hình dáng nếu như bức hình không có viền bao. (Hình 3)

Hình 3: Minh họa về cách thức kiểm tra trong giai đoạn 3 của DCCS (15)

Kết quả của DCCS sẽ được đánh giá dựa trên độ chính xác trong việc phân loại hình ảnh. Theo đó, ở giai đoạn 1 và 2, trẻ sẽ phải phân loại đúng tối thiểu 5 trên 6 hình ảnh thì mới được xem là hoàn thành. Trong khi đó ở giai đoạn 3, tỷ lệ này được thay đổi là 9 trên tổng số 12 hình ảnh. Như vậy, có thể thấy hình thức kiểm tra của DCCS đặt ra yêu cầu cho trẻ phải thay đổi sự chú ý của mình từ một vấn đề này (phân loại hình ảnh theo màu sắc) sang một vấn đề khác (phân loại theo hình ảnh theo hình dạng).

Có hay không lợi ích của một “bộ não song ngữ” ở những trẻ mắc Hội chứng Rối loạn phổ Tự kỷ?

Trong hơn 15 năm qua, giới khoa học vẫn không ngừng tranh luận xoay quanh câu hỏi liệu rằng “việc nói được hai ngôn ngữ có thật sự giúp cải thiện chức năng điều hành của não bộ hay không”, Giáo sư Aparna Nadig (Đại học McGill, Canada) cho biết. Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra lập luận một cách thuyết phục rằng đối với một người thành thạo hai ngôn ngữ, họ phải chuyển đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia một cách vô thức sao cho phù hợp với bối cảnh của cuộc đối thoại và nhờ vậy giúp tăng khả năng “chuyển hướng sự chú ý” (16, 17). Tuy nhiên, liệu rằng điều này có đúng ở những trẻ mắc Hội chứng Rối loạn phổ Tự kỷ hay không? Liệu việc nói được hai ngôn ngữ có thể giúp cải thiện khiếm khuyết về khả năng “chuyển hướng sự chú ý” ở những trẻ này hay không? Đây là điều mà trước nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào chứng minh được…

Tháng 11 năm 2017, các nhà khoa học đến từ Đại học McGill cùng Trung tâm Nghiên cứu về Não bộ, Ngôn ngữ và Âm nhạc (CRBLM) đã cho công bố một bài báo trên Tạp chí Child Development (14). Ở nghiên cứu này, họ đã chọn 40 đứa trẻ trong khoảng từ 6 đến 9 tuổi, trong đó có 20 trẻ phát triển bình thường (typically-developing children – TYP) và 20 trẻ mắc Hội chứng Rối loạn phổ Tự kỷ (ASD). Đặc biệt, ở mỗi nhóm có 10 trẻ chỉ nói được một ngôn ngữ (monolingual) và 10 trẻ nói được song ngữ (bilingual). Tiếp đến, những đứa trẻ này sẽ thực hiện bài kiểm tra DCCS trên máy tính để đánh giá khả năng “chuyển hướng sự chú ý” của chúng.

Qua phân tích, kết quả cho thấy tất cả trẻ đều hoàn thành được giai đoạn 1 của DCCS và phần lớn trong số đó hoàn thành được giai đoạn 2 của bài kiểm tra này. Thế nhưng, kết quả ở giai đoạn 3 lại khiến các nhà khoa học hết sức bất ngờ khi mà tỷ lệ trẻ mắc ASD nhưng nói được song ngữ hoàn thành được giai đoạn này lại cao hơn so với trẻ mắc ASD chỉ nói được 1 thứ tiếng và thậm chí là trẻ phát triển bình thường nói song ngữ! (biểu đồ 1) Như vậy, kết quả này cho thấy việc nói được hai ngôn ngữ có thể giúp cải thiện khiếm khuyết về “chuyển hướng sự chú ý” ở những trẻ mắc Hội chứng Rối loạn phổ Tự kỷ.

Hình 4: Tỷ lệ phần trăm trẻ vượt qua các giai đoạn của bài kiểm tra DCCS, được phân loại theo 4 nhóm trẻ (14)

Những hy vọng mới trong việc chăm sóc và điều trị trẻ mắc Hội chứng Rối loạn phổ Tự kỷ

Giáo sư Aparna Nadig cho rằng: “Đây thật sự là một phát hiện đầy mới mẻ và bất ngờ… Những kết quả từ nghiên cứu này rất quan trọng bởi chúng đưa ra những minh chứng để các gia đình có trẻ mắc ASD tham khảo và đưa ra những quyết định trong việc nuôi dạy trẻ. Trước kia, người ta khuyến cáo rằng việc dạy trẻ mắc ASD nói thêm một ngôn ngữ sẽ làm tình trạng khiếm khuyết ngôn ngữ của trẻ xấu đi” (18). Nhưng giờ đây, có vẻ như quan niệm này cần phải được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.

Mặc dù số mẫu nghiên cứu ít, các nhà khoa học tin rằng kết quả quan sát được về những lợi ích từ việc nói được song ngữ đối với trẻ mắc ASD thật sự có triển vọng lâu dài và cần được nghiên cứu sâu hơn. Do đó, họ dự định sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của những đứa trẻ này trong 5 năm tới để đánh giá sự phát triển của chúng.

Tài liệu tham khảo

1.         Development NIoCHaH (2016) Autism Spectrum Disorder.

2.         Association AP (2013) Diagnostic and statistical manual of mental disorders (DSM-5®) (American Psychiatric Pub).

3.         Fakhoury M (2015) Autistic spectrum disorders: A review of clinical features, theories and diagnosis. International journal of developmental neuroscience: the official journal of the International Society for Developmental Neuroscience 43:70-77.

4.         Faras H, Al Ateeqi N, & Tidmarsh L (2010) Autism spectrum disorders. Annals of Saudi medicine 30(4):295.

5.         Health TNIoM (2018) Autism Spectrum Disorder.

6.         (NINDS) NIoNdaS (2018) Autism Spectrum Disorder Fact Sheet.

7.         Bailey A, et al. (1995) Autism as a strongly genetic disorder: evidence from a British twin study. Psychological medicine 25(1):63-77.

8.         Marco EJ & Skuse DH (2006) Autism-lessons from the X chromosome. Social cognitive and affective neuroscience 1(3):183-193.

9.         Muhle R, Trentacoste SV, & Rapin I (2004) The genetics of autism. Pediatrics 113(5):e472-e486.

10.       Robinson S, Goddard L, Dritschel B, Wisley M, & Howlin P (2009) Executive functions in children with autism spectrum disorders. Brain and cognition 71(3):362-368.

11.       Eigsti I-M (2011) Executive functions in ASD. The neuropsychology of autism:185-203.

12.       Gioia GA, Isquith PK, Kenworthy L, & Barton RM (2002) Profiles of everyday executive function in acquired and developmental disorders. Child neuropsychology 8(2):121-137.

13.       Granader Y, et al. (2014) Characterizing the factor structure of parent reported executive function in autism spectrum disorders: The impact of cognitive inflexibility. Journal of Autism and Developmental Disorders 44(12):3056-3062.

14.       Gonzalez‐Barrero AM & Nadig AS (2017) Can Bilingualism Mitigate Set‐Shifting Difficulties in Children With Autism Spectrum Disorders? Child development.

15.       Zelazo PD (2006) The Dimensional Change Card Sort (DCCS): A method of assessing executive function in children. Nature protocols 1(1):297.

16.       Bialystok E & Martin MM (2004) Attention and inhibition in bilingual children: Evidence from the dimensional change card sort task. Developmental science 7(3):325-339.

17.       Bialystok E & Viswanathan M (2009) Components of executive control with advantages for bilingual children in two cultures. Cognition 112(3):494-500.

18.       University N-M (2018) Being bilingual may help autistic children.