Sử dụng video quay chậm (VAR) trong bóng đá có thể khiến trọng tài phạt thẻ nặng tay hơn  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Tác giả: Nguyễn Duy Liêm, Đại học Nông Lâm TP. HCM
Email: nguyenduyliem@hcmuaf.edu.vn

Trong bóng đá, các quyết định của trọng tài thường là chủ đề tranh luận sôi nổi của giới chuyên gia cũng như người hâm mộ. Thực tế này đòi hỏi công tác đào tạo trọng tài phải ngày càng chuyên nghiệp hóa. Hệ quả dẫn đến là sự ra đời của công nghệ VAR (Video Assistant Referee, tạm dịch là video hỗ trợ trọng tài) nhằm hỗ trợ trọng tài đưa ra các quyết định chính xác bằng cách phát lại các tình huống trên sân theo thời gian thực và video quay chậm. Hệ thống này đang được áp dụng chính thức tại FIFA World Cup 2018. Đây cũng là lần đầu tiên VAR được sử dụng trong một kỳ World Cup.

Tại FIFA World Cup 2018, VAR có tổng cộng 13 thành viên do Ủy ban Trọng tài FIFA lựa chọn. Về cơ cấu tổ chức, nhóm VAR bao gồm VAR và ba trợ lý đi kèm (AVAR1, AVAR2 và AVAR3) với các nhiệm vụ khác nhau (1):

- VAR theo dõi camera chính ở màn hình phía trên và kiểm tra/ đánh giá tình huống ở màn hình quad-split. Ngoài ra, VAR giữ trách nhiệm lãnh đạo nhóm và giao tiếp với trọng tài trên sân.

- AVAR1 tập trung vào camera chính và phát lại tình huống trực tiếp cho VAR khi cần kiểm tra/ đánh giá tình huống.

- AVAR2 đặt tại trạm việt vị. Nó kiểm tra tất cả tình huống việt vị để giúp VAR đẩy nhanh tốc độ kiểm tra và đánh giá.

- AVAR3 phát dữ liệu lên truyền hình, hỗ trợ VAR đánh giá tình huống và đảm bảo liên lạc thông suốt giữa VAR và AVAR2.

Từ trái qua phải lần lượt là VAR, AVAR1, AVAR2 và AVAR3 (1)

Nhóm VAR được đặt tại Phòng điều hành Video thuộc Trung tâm Phát sóng Quốc tế, Moscow, Nga. Tín hiệu từ camera tại 12 sân vận động truyền về Phòng điều hành Video qua mạng cáp quang. Trọng tài trên sân giao tiếp với VAR qua hệ thống radio.

Trung tâm Phát sóng Quốc tế tại Moscow (Nga)

Quy trình hoạt động của VAR bao gồm 3 bước sau (2):

(i) Bước 1 - Tình huống xảy ra: Trọng tài hỏi ý kiến VAR, hoặc VAR thông báo với trọng tài cần xem xét tình huống.

(ii) Bước 2 - VAR xem xét và tư vấn: VAR xem lại video tình huống, từ đó tư vấn cho trọng tài qua tai nghe.

(iii) Bước 3 - Ra quyết định: Trọng tài xem lại video tình huống tại màn hình đặt sát đường biên dọc của sân bóng trước khi ra quyết định, hoặc trọng tài chấp nhận thông báo từ VAR và ra quyết định.

Tuy VAR mang lại nhiều tác động tích cực nhưng việc sử dụng công nghệ này cần hết sức thận trọng nếu không sẽ phản tác dụng. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại KU Leuven (Đại học Leuven, Bỉ) cho thấy trọng tài có khuynh hướng phạt thẻ đỏ hơn là thẻ vàng khi xem video quay chậm các tình huống phạm lỗi (3). Nguyên nhân là do hành động phạm lỗi có vẻ nghiêm trọng hơn khi xem ở chế độ quay chậm.

Trọng tài Andres Cunha tham khảo công nghệ VAR trong trận đấu giữa Pháp và Úc tại vòng bảng World Cup 2018

Đối với các quyết định kĩ thuật (xác định có phạm lỗi hay không) của trọng tài, xem video quay chậm chỉ cải thiện độ chính xác trong các tình huống đá phạt góc. Nhóm tác giả giải thích: “Các tình huống đá phạt góc luôn có sự tham gia của nhiều cầu thủ. Chính vì vậy, video quay chậm có thể giúp phát hiện chính xác hành động phạm lỗi”. Nhưng đối với các quyết định kỷ luật (xác định có phạt thẻ hay không), sử dụng video quay chậm có tác động đáng kể đến quyết định của trọng tài.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã yêu cầu 88 trọng tài châu Âu xử phạt kỉ luật 60 tình huống trên sân (phạt thẻ vàng, thẻ đỏ hoặc không phạt thẻ). Các trọng tài đưa ra quyết định cho 30 tình huống sau khi xem video theo thời gian thực và 30 tình huống còn lại sau khi xem video quay chậm. Sau đó, kết quả xử phạt của các trọng tài được đối chiếu với kết quả xử phạt chuẩn mực của một nhóm chuyên gia UEFA.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy các trọng tài xử phạt nặng tay hơn khi xem tình huống phạm lỗi trong video quay chậm. Bằng chứng là trong các tình huống đáng lẽ chỉ cần phạt thẻ vàng (nhóm chuyên gia UEFA), tỉ lệ trọng tài rút thẻ đỏ sau khi xem video theo thời gian thực và video quay chậm lần lượt là 10% và 20%.

Minh họa tình huống phạm lỗi trong đá phạt góc (a) và bóng sống (b). Trong trường hợp này, trọng tài phải ra quyết định kĩ thuật (không phạm lỗi, đá phạt gián tiếp, đá phạt trực tiếp hoặc đá phạt đền) và quyết định kỉ luật (không phạt thẻ, phạt sthẻ vàng hoặc thẻ đỏ) (3).

Dựa trên kết quả của nghiên cứu này, Hiệp hội Bóng đá Quốc tế (International Football Association Board) đã ban hành quy định sử dụng video quay chậm. Theo đó, chỉ được sử dụng video quay chậm trong 2 trường hợp: xác định tình huống phạm lỗi xảy ra bên trong hay bên ngoài khu vực 16m50, định vị tác động của một hành vi ngăn cản vào cơ thể đối phương.

Tài liệu tham khảo:

1. FIFA (2018) VAR at the 2018 FIFA World CupTM. Available at: https://football-technology.fifa.com/en/innovations/var-at-the-world-cup/ [Accessed July 14, 2018].

2. FIFA (2018) VIDEO ASSISTANT REFEREES (VAR). Available at: https://football-technology.fifa.com/en/media-tiles/video-assistant-referee-var/ [Accessed July 14, 2018].

3. Spitz J, Put K, Wagemans J, Williams AM, Helsen WF (2017) Does slow motion impact on the perception of foul play in football? Eur J Sport Sci 17(6):748–756.