Pheromone người, sự thật hay giả tưởng?  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Pheromone, một “liên từ” được ghép nối giữa từ pheroo (tiếng Hy Lạp, nghĩa là “tôi mang...” (I carry)) và từ hormone (hoạt chất sinh học trong cơ thể sinh vật), lần đầu được nhắc đến vào năm 1959 bởi hai nhà khoa học Peter Karlson và Martin Lüscher [1]. Được xem như những chất “phát tín hiệu” tiết ra từ các tuyến ngoại tiết của động vật, đặc biệt là côn trùng, pheromone ngày càng thu hút được sự chú ý của cộng đồng khoa học. Các chất này được tiết ra nhằm tác động đến đối tượng khác, với nhiều mục đích khác nhau như:

- Tụ họp bầy đàn: các loài kiến, bọ cánh cứng có khả năng tiết ra tín hiệu để tụ tập “anh em”, nhằm áp đảo kẻ địch, hoặc bảo vệ lãnh thổ (hình 1) [2].

- Đánh dấu lãnh thổ: phổ biến ở chó, mèo. Chúng dùng pheromone có trong nước tiểu để khoanh vùng “địa bàn” của mình.

- Bảo vệ nòi giống: một số loài chim sau khi đẻ trứng, chúng tiết ra một số chất đặc trưng lên trứng, nhằm báo rằng “trứng có chủ”, những loài khác hãy tìm nơi khác mà sinh sản [3].

- Dẫn truyền tín hiệu: chức năng này tương tự như hormone thần kinh. Trên chuột, GnRH có tác dụng như một chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh, giúp gây hưng phấn và khoái cảm trong quan hệ tình dục [4].

- Dẫn đường: khi tìm thấy thức ăn, các loài kiến có khả năng tiết các hoạt chất hydrocarbon dễ bay hơi trên đường đi của mình, nhằm dẫn đường cho những cá thể kiến đi sau đến nơi có chứa nguồn thực phẩm. Vì là chất dễ bay hơi, nên kiến sẽ liên tục tiết ra cho đến khi hết thức ăn.

- Báo hiệu khả năng sinh sản (sex pheromone): là nhóm pheromone được nghiên cứu nhiều nhất. Các chất này thường được con cái tiết ra trong mùa sinh sản, nhằm “quyến rũ” con đực, giúp duy trì nói giống. Một số loài bướm có khả năng nhận diện tín hiệu ở cách xa đến 10 km [5].

Hình 1: Loài bọ cánh cứng tụ họp nhờ pheromone. Nguồn: [Wikipedia]

Chính nhờ những tác dụng “độc đáo” đó, các pheromone, đặc biệt là sex pheromone, đã và đang được tiến hành nghiên cứu rộng rãi trên người. Liệu có hay không những tín hiệu “quyến rũ giới tính” được tiết ra từ con người? Dĩ nhiên, hai loại hợp chất được chú ý nhiều nhất là androgen (hormone sinh dục nam), đặc biệt là androstadienone (AND) hiện diện trong mồ hôi và tinh dịch nam giới, và estrogen (hormone sinh dục nữ), đặc biệt là estratetraenol (EST) trong nước tiểu phụ nữ [6]. Hummer và McClintock, trong một nghiên cứu lâm sàng, đã bôi AND lên môi trên của 50 nam và nữ tình nguyện, và tiến hành những xét nghiệm liên quan. Kết quả cho thấy nhóm nữ được bôi AND có biểu hiện tăng chú ý tới những cử chỉ và lời nói thân mật, giảm cảm giác đau đớn, và suy nghĩ tích cực hơn so với nhóm đối chứng [7]. Tương tự, hormone sinh dục nữ có khả năng làm tăng cường hành vi tình dục ở nam giới hơn so với nhóm chứng [8].

Hình 2: Nước hoa chứa pheromone, được quảng cáo là “thuốc chống ế”. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây, đăng trên tờ Royal Society Open Science, lại cho thấy một kết quả ngược lại. Không có sự liên quan giữa hormone sinh dục, vốn được cho là sex pheromone ở người, với những hành vi tình dục [9]. Điều này dấy lên một làn sóng phản ứng trong giới khoa học. Yet Wen Zhou, một nhà tâm lý học hành vi cho rằng nghiên cứu trên đã không được thiết kế và tiến hành chặt chẽ [10].

Dù còn nhiều tranh luận trong giới khoa học, nhưng hy vọng trong một tương lai không xa, những lời quảng cáo như: “Hãy xịt một ít nước hoa chứa pheromone lên người, bạn sẽ thoát ế”, sẽ được khoa học chứng minh.

Tác giả: Phạm Duy Toàn – Đại học Naresuan, Thái Lan

Tài liệu tham khảo:

1. Karlson P. et al., Pheromones: a new term for a class of biologically active substances. Nature. 183(4653), 55–56. 1959.

2. Landolt, JP, Sex attractant and aggregation pheromones of male phytophagous insects. American Entomologist. 43(1), 12–22. 1997.

3. Jutsum, AR et al., Pheromones: importance to insects and role in pest management. In Insect pheromones in plant protection. John Wiley & Sons Ltd. 1–13. 1989.

4. Kohl JV. et al., Human pheromones: integrating neuroendocrinology and ethology. Neuro Endocrinol. Lett. 22(5), 309–321. 2001.

5. Raina, AK. et al., Brain factor control of sex pheromone production in the female corn earworm moth. Science. 225(4661), 531–533. 1984.

6. Warren S. T. Hays, Human pheromones: have they been demonstrated?. Behavioral Ecology and Sociobiology. 54(2), 98–97. 2003.

7. Tom A. Hummer, Putative human pheromone androstadienone attunes the mind specifically to emotional information. Hormones and Behavior. 44(4), 548–559. 2009.

8. Winnifred B. Cutler et al., Pheromonal Influences on Sociosexual Behavior in Men. Archives of Sexual Behavior. 27(1), 1–13. 1998.

9. Robin M. Hare et al., Putative sex-specific human pheromones do not affect gender perception, attractiveness ratings or unfaithfulness judgements of opposite sex faces. R. Soc. open sci. 4, 160831. 2017.

10. Lindzi Wessel, Do human pheromones actually exist? Available from: http://www.sciencemag.org/news/2017/03/do-human-pheromones-actually-exist. 2017.