Giải Nobel tìm được chủ nhân thứ 900, còn điều gì bạn chưa biết?  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Năm 2016 đã đánh dấu một mốc đáng nhớ của Giải Nobel. Tính đến ngày 5 tháng 10, sau khi ba nhà khoa học Jean-Pierre Sauvage, Sir J. Fraser Stoddart và Bernard L. Feringa được xướng tên trong buổi lễ công bố Giải Nobel Hóa học, số tổ chức và cá nhân đoạt Giải Nobel đã vừa vặn chạm tới dấu mốc 900.

Ít ngày sau đó, chúng ta đã tìm được thêm 4 chủ nhân của những Giải Nobel cuối cùng năm 2016, nâng tổng số cá nhân và tổ chức đoạt Giải Nobel lên con số 904. Như vậy, trải qua một lịch sử 116 năm, 579 Giải Nobel đã vinh danh tổng cộng 881 cá nhân và 23 tổ chức. Ước chừng phải một thập kỷ nữa, Giải Nobel mới tìm được chủ nhân thứ 1000.

Kỷ niệm dấu mốc 900 chủ nhân Giải Nobel đã được vượt qua, chúng ta hãy cùng một lần nữa nhìn lại lịch sử của giải thưởng danh giá này, bắt đầu từ bản di chúc của một nhà sáng chế người Thụy Điển: Alfred Nobel.

1. Nguồn gốc Giải Nobel

Alfred Nobel (1833-1896) được biết đến là một nhà hóa học, nhà phát minh đã sáng chế ra thuốc nổ. Ngày nay, ông nổi tiếng hơn với vai trò là người đã dành gần như toàn bộ khối tài sản khổng lồ tích lũy được trong suốt cuộc đời mình, để sáng lập ra Giải thưởng Nobel.

Mặc dù vậy, quay trở lại những năm tháng khi Alfred Nobel còn sống, ông dường như không nhận được những ánh mắt đầy thiện cảm như vậy. Nghiên cứu về vật liệu nổ từ năm 17 tuổi, Alfred Nobel đạt đến thành công năm 1867 khi sáng chế ra loại thuốc nổ “dynamite”, một loại vật liệu nổ an toàn, ổn định và dễ kiểm soát nhất vào thời điểm đó. Nắm giữ bằng sáng chế, Alfred Nobel đã khởi xướng và mở ra một ngành công nghiệp hoàn toàn mới.  Sản xuất thuốc nổ đã hỗ trợ đắc lực cho hoạt động khai khoáng, ngành xây dựng và mọi hoạt động sử dụng vật liệu nổ dân sự. Alfred Nobel thành lập công ty thuốc nổ của mình. Trong vòng 10 năm, ông đã mở 16 xưởng sản xuất thuốc nổ tại khắp 14 quốc gia trên thế giới. Các xưởng sản xuất này do ông đồng sáng lập hoặc góp cổ phần [1]. Ngoài việc sở hữu tất cả 355 bằng sáng chế, Alfred Nobel cũng trở thành một triệu phú vô cùng giàu có. Thế nhưng, đặt hoàn cảnh vào những cuộc chiến tranh, quân đội và chính quyền cũng nhìn thấy được tiềm năng to lớn của thuốc nổ. Nó có thể được sử dụng làm vũ khí, một loại vũ khí giết người để chiếm ưu thế trong cuộc chiến. Mặc dù được biết đến là một người theo chủ nghĩa hòa bình, ngày nay, chúng ta không biết được trong quá khứ Alfred Nobel có tán thành việc quân đội sử dụng sáng chế của ông về thuốc nổ hay không. Nhưng có một điều chắc chắn, tại thời điểm đó, công chúng đã có một cái nhìn không mấy thiện cảm về nhà triệu phú Alfred Nobel.

Năm 1888, một sự kiện hi hữu xảy ra khi anh trai Alfred Nobel là Ludvig Nobel qua đời. Báo chí Pháp khi đó nhầm tưởng đó là Alfred, một tờ báo đã chạy tiêu đề "Le marchand de la mort est mort", tạm dịch là “Con buôn cái chết đã chết” [2]. Cáo phó mô tả Alfred Nobel là người đã tìm ra cách giết nhiều người hơn theo một cách nhanh hơn bao giờ hết. Đọc được những bài viết, Alfred Nobel đã hết sức ngỡ ngàng và choáng váng. Đó là thời điểm mà ông có những khái niệm quyết định về việc phải xây dựng một di sản để lại khi qua đời. Trong những năm tháng cuối cùng, Alfred Nobel viết 3 di chúc. Bản di chúc cuối cùng của ông được ký vào năm 1895 nói rằng Alfred sẽ dành gần như toàn bộ tài sản của mình để làm phần thưởng cho những ai cống hiến và tạo ra được nhiều lợi ích nhất cho nhân loại trong 5 lĩnh vực: Vật lý, Hóa học, Sinh lý học và Y khoa, Văn học và hoạt động theo đuổi nền hòa bình trên thế giới [3]. Alfred Nobel qua đời vào năm 1896. Nguyện vọng của Alfred Nobel trong di chúc được thực hiện lần đầu tiên năm 1901. Nó đã trở thành một giải thưởng quốc tế mang tên ông và tồn tại cho đến tận bây giờ: Giải Nobel.

2. Quá trình lựa chọn người đoạt giải diễn ra như thế nào?

Theo di chúc của Alfred Nobel, Giải Nobel bao gồm 5 hạng mục: Vật lý, Hóa học, Sinh lý học và Y khoa, Văn học và Hòa bình. Giải Nobel Kinh tế mới được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 1968, theo đề xuất của Ngân hàng Trung Ương Thụy Điển. Về mặt lý thuyết, đó không phải là một Giải Nobel. Nhưng bởi mang những nguyên tắc giống hệt và với mục đích tưởng nhớ Alfred Nobel, giải thưởng này cũng vẫn được gọi là Nobel Kinh tế.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển chịu trách nhiệm với 4 Giải Nobel: Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế. Họ sẽ lập ra 4 Ủy ban Giải Nobel cho từng hạng mục. Mỗi Ủy ban Giải Nobel có khoảng 5 ủy viên đến từ chính Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển. Trong khi đó, Giải Nobel Sinh lý học và Y khoa được đảm nhận bởi Viện Karolinska, một trường đại học Y khoa của Thụy Điển. Họ cũng lập ra một Ủy ban Giải Nobel tương tự. Các Ủy ban Giải Nobel nói trên đều có nhiệm kỳ trong 3 năm. Di chúc của Alfred Nobel nhắc đến Giải Nobel Hòa bình một cách tương đối đặc biệt. Trách nhiệm được trao cho Na Uy chứ không phải Thụy Điển. Quản lý Giải Nobel Hòa Bình, quốc hội Na Uy sẽ bổ nhiệm một Ủy ban Giải Nobel Na Uy có nhiệm kỳ tới 6 năm.

Sau khi đã có được các Ủy ban Giải Nobel, quá trình đề cử sẽ được tiến hành. Mỗi năm, các ủy ban này mời từ vài trăm (Nobel Hòa bình, Văn học) tới vài ngàn người (Nobel Vật lý, Hóa học, Sinh lý học và Y khoa) đề cử các ứng viên xứng đáng nhận Giải Nobel. Những người được mời đề cử nói chung sẽ bao gồm thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, người đã từng đoạt Giải Nobel, các giáo sư có uy tín đến từ Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland và Na Uy, một số giấy mời đề cử được gửi tới những nhà khoa học có uy tín bên ngoài [4]. Giải Nobel Hòa bình có thể được nhận đề cử từ các chính trị gia, thành viên tòa án quốc tế hoặc những người làm việc trong lĩnh vực liên quan như nghiên cứu khoa học xã hội và vấn đề hòa bình. Những đề cử thường được yêu cầu giữ bí mật và hồ sơ được giữ kín trong vòng 50 năm. Trong Giải Nobel, không một ai có thể tự đề cử chính mình. Sau khi nhận lại được các đề cử, Ủy ban Giải Nobel sẽ lập thành các báo cáo. Giai đoạn sàng lọc và lựa chọn sẽ khác nhau theo từng hạng mục. Tuy nhiên, trước kỳ công bố vào đầu tháng 10, tất cả các Giải Nobel đều được lựa chọn theo thể thức bỏ phiếu lấy đa số. Kết quả đó sẽ là kết quả cuối cùng, không cho phép hồi tố, khiếu nại. Một Giải Nobel có thể được trao cho một tổ chức, cá nhân hoặc nhóm tối đa 3 người.

Hinh 1. Ví dụ về quá trình đề cử và lựa chọn Giải Nobel Hòa bình

3. Người đoạt Giải Nobel sẽ nhận được gì?

Sau khi được công bố đoạt Giải Nobel vào đầu tháng 10, người chiến thắng, ngoại trừ Giải Nobel Hòa Bình sẽ đặt lịch tới Stockholm vào tháng 12. Một buổi lễ trao giải được tổ chức trùng với kỷ niệm ngày mất của Alfred Nobel. Ở đó, người đoạt giải sẽ được trao một giấy chứng nhận, một huy chương bằng vàng 18k và giấy tờ xác nhận khoản tiền thưởng mà họ nhận được. Nếu có nhiều người cùng đoạt giải, tiền thưởng sẽ được chia theo tỷ lệ những đóng góp của họ đã được đánh giá. Tiền thưởng của Giải Nobel có thể thay đổi theo từng năm. Năm 2016, đó là khoảng 8 triệu Krona, tương đương 931.000 USD.

Một điều thú vị là các tấm huy chương của Giải Nobel có thể được rao bán. Thậm chí, có khi nó còn giá trị hơn cả số tiền mà người đoạt giải nhận được từ Quỹ Nobel. Năm 2014, một tấm Huy chương Nobel được chủ nhân của nó là James Watson, nhà khoa học nhận giải trong lĩnh vực Sinh lý học và Y khoa năm 1962, bán đấu giá với giá chốt là 4.1 triệu USD [5].

10 sự thật thú vị về Giải Nobel

  1. Giải Nobel chỉ được trao cho những người còn sống. Nhưng một trường hợp ngoại lệ đã xảy ra vào năm 2011, trong hạng mục Nobel Sinh lý học và Y khoa. Nhà miễn dịch học Ralph M. Steinman người Canada được công bố đoạt giải sau khi ông mất 3 ngày. Tuy nhiên, giải thưởng vẫn được thông qua với lý do ủy ban trao giải đã không biết ông đã qua đời.
  2. Độ tuổi trung bình của người đoạt Giải Nobel là 59. Người ít tuổi nhất từng đoạt Giải Nobel là Malala Yousafzai, 17 tuổi (Nobel Hòa bình năm 2014). Người lớn tuổi nhất là Leonid Hurwicz, 90 tuổi (Nobel Kinh tế năm 2007).
  3. Thông thường, người đoạt Giải Nobel được vinh danh vì những khám phá của họ từ vài thập kỷ trước. Peyton Rous, nhà khoa học nhận Giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 1966 cho công trình ông thực hiện từ năm 1910. Tuy nhiên, cũng có những nhà khoa học đi tới Giải Nobel rất nhanh chóng: Chen Ning Yang và Tsung-Dao Lee nhận Giải Nobel Vật lý năm 1957 chỉ sau 1 năm công bố công trình nghiên cứu.
  4. Có 49 Giải Nobel (khoảng 5%) đã từng được trao cho phụ nữ.
  5. Hai người từng từ chối nhận Giải Nobel là: Jean-Pau Sartre, được trao Giải Nobel văn học năm 1964 và Lê Đức Thọ được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1973.
  6. Không có Giải Nobel Toán học.
  7. Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu về số lượng trong mọi hạng mục Giải Nobel, ngoại trừ Văn học, vị trí dẫn đầu thuộc về Pháp.
  8. Không phải năm nào Giải Nobel cũng được trao. Trong quá khứ, đã chứng kiến nhiều năm giải thưởng Nobel bị gián đoạn. Tổng cộng 49 lượt Giải Nobel đã không được trao theo đó, hầu hết là trong giai đoạn thế chiến I và II [6].
  9. Không có giới hạn cho số lượng Giải Nobel có thể được trao cho một người. Trong lịch sử đã có 4 người từng hai lần đoạt Giải Nobel: Marie Curie (Nobel Vật lý năm 1903 và Nobel Hóa học năm 1911), John Bardeen (Nobel Vật lý năm 1956 và 1972), Linus Pauling (Nobel Hóa học năm 1954 và Nobel Hòa bình năm 1962), Frederick Sanger (Nobel Hóa học năm 1958 và 1980).
  10. Bạn có thể tra cứu Danh sách tất cả Giải Nobel đã được trao từ năm 1901 tới năm 2016 tại địa chỉ: https://www.nobelprize.org/nobel_prizes/lists/all/index.html

Tài liệu tham khảo:

  1. Ragnhild Lundström (2003). Alfred Nobel's Dynamite Companies. Nobel Media AB 2014. Retrieved October 17, 2016 from: https://www.nobelprize.org/alfred_nobel/biographical/articles/lundstrom/
  2. Frederic Golden (2000). The Worst And The Brightest. Time. Retrieved October 17, 2016 from: http://content.time.com/time/magazine/article/0,9171,91819-1,00.html
  3. The will. Nobel Media AB 2014. Retrieved October 17, 2016 from: https://www.nobelprize.org/alfred_nobel/will/
  4. Susannah Locke (2016). How the Nobel Prize became the most controversial award on Earth. Vox. Retrieved October 17, 2016 from: http://www.vox.com/2014/10/6/6895363/nobel-prizes-winners-controversies-explained
  5. Chris Johnston (2014). DNA scientist James Watson sells Nobel prize medal. Theguardian. Retrieved October 17, 2016 from: https://www.theguardian.com/international
  6. Nobel Prize Facts. Nobel Media AB 2014. Retrieved October 17, 2016 from: http://www.nobelprize.org/nobel_prizes/facts/

Tác giả: Bùi Thanh Long (CN, Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Tags: 
Category: