Nhuộm huỳnh quang - phương pháp mới trong chẩn đoán lao  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh lao (chủ yếu là lao phổi) là một bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra với các triệu chứng cơ bản như ho kéo dài (có thể kèm đàm máu), sốt về chiều, sụt cân. Bệnh lao có tỷ lệ chết cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới. Năm 2014, có gần 10 triệu người mắc bệnh và 1,5 triệu người tử vong do lao. Nguy hiểm hơn, trên 95% số người mắc lao là công dân ở những nước có thu nhập thấp đến trung bình tập trung ở Châu Á và Châu Phi, trong đó có Việt Nam (Hình 1) [1].

Hình1: Tỷ lệ mới mắc lao năm 2014, tập trung chủ yếu ở châu Á và châu Phi. Nguồn: WHO

Bệnh lao có thể được chữa khỏi bằng các phát đồ điều trị sử dụng kháng sinh theo khuyến cáo của Bộ Y tế [2]. Tuy nhiên, bệnh nhân thường đến bệnh viện khi bệnh đã vào những giai đoạn nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, các phương pháp chẩn đoán cần được tiến hành nhanh và chính xác nhất có thể. Cách tốt nhất để chẩn đoán xác định bệnh lao là thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X-quang phổi, nhuộm đàm tìm vi khuẩn, nuôi cấy và sinh học phân tử [3]. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, do điều kiện kinh tế, phản ứng nhuộm đàm tìm vi khuẩn được áp dụng phổ biến trên hầu hết các bệnh viện. Nhuộm đàm (xét nghiệm Ziehl–Neelsen) là một phản ứng hóa học dựa vào bản chất đặc biệt ưa dầu (kỵ nước) của vách tế bào vi khuẩn lao (do cấu thành từ chất béo, mà chủ yếu là acid mycolic). Thuốc nhuộm có khả năng liên kết với lớp chất béo đó, và “nhuộm” vi khuẩn lao (nếu có) trong bệnh phẩm. Phương pháp Ziehl–Neelsen có khả năng nhuộm cả vi khuẩn sống lẫn chết. Phương pháp này tuy dễ thực hiện, rẻ tiền nhưng có rất nhiều nhược điểm như độ nhạy rất thấp, phụ thuộc tay nghề xét nghiệm viên, dương tính giả [3]. Ngoài ra, để kết luận chắc chắn thì cần phải dương tính ít nhất 2 mẫu bệnh phẩm, hoặc kết hợp thêm kết quả từ những xét nghiệm khác như X-quang [2]. Tổng thời gian cho toàn bộ quá trình chẩn đoán mất khoảng 1 tuần, và do đó, diễn tiến bệnh có chiều hướng xấu đi vì được điều trị muộn.

Nhằm tìm ra một phương pháp chẩn đoán nhanh và chính xác hơn, nhóm nghiên cứu của Carolyn Bertozzi, một nhà hóa học tại Đại học Stanford, Palo Alto, California đã miệt mài suốt hơn 10 năm tìm hiểu về loài vi khuẩn nguy hiểm này [4]. Họ phát hiện ra rằng trong lớp chất béo nằm ở vách tế bào vi khuẩn lao, có các phân tử glycolipid chứa đường trehalose. Loại đường này tương đối đặc hiệu đối với quá trình sinh tổng hợp lớp vách chất béo của vi khuẩn lao. Do đó, họ tạo ra một loại thuốc thử bằng cách gắn các phân tử đường trehalose với các phân tử có khả năng phát huỳnh quang khi được cố định trên vách tế bào vi khuẩn. Xét nghiệm viên chỉ cần làm một thao tác đơn giản là xịt thuốc thử này lên mẫu thử, đợi trong một giờ, nếu tồn tại vi khuẩn lao, chúng sẽ lấy những phân tử thuốc thử này làm “thức ăn” để tổng hợp vách, và sẽ hiện rõ trên kính hiển vi vì ánh sáng huỳnh quang (Hình 2). Hơn thế nữa, phương pháp này chỉ phát hiện những vi khuẩn còn sống có khả năng chuyển hóa đường trehalose nên có thể được dùng trong theo dõi hiệu quả điều trị.

Tuy nhiều tiềm năng, nhưng bằng chứng lâm sàng mới thực sự đánh giá một liệu pháp. Hiện nay, nhóm nghiên cứu vẫn đang tiếp tục nghiên cứu tìm cách đưa phương pháp thử nghiệm trên quy mô lớn [4]. Hy vọng trong tương lai không xa, việc chẩn đoán lao sẽ trở nên nhanh, dễ dàng, và chính xác hơn.

Hình 2: Vi khuẩn lao phát sáng huỳnh quang dưới kính hiển vi. Nguồn: [4]

Tác giả: Phạm Duy Toàn (NCS, Đại học Naresuan, Thái Lan)

Phản biện: Lê Thị Thúy (NCS, Đại học Quốc gia Chungnam, Hàn Quốc)

Tài liệu tham khảo

1.World Health Organization (2016), Tuberculosis Fact sheet, March 2016, http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs104/en/,accessed 28.08.2016.

2. Bộ Y Tế (2009) Quyết định về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh lao 979/QĐ-BYT ngày 24 tháng 3 năm 2009. http://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Quyet-dinh-979-QD-BYT-huong-dan-chan-doan-dieu-tri-va-phong-benh-lao-86485.aspx, accessed 28.08.2016.

3. Bệnh viện quân Y 103 (2015) Phương pháp chẩn đoán lao phổi. http://benhvien103.vn/vietnamese/bai-giang-chuyen-nganh/lao-va-benh-phoi/phuong-phap-chan-doan-lao-phoi/853/, accessed 28.08.2016.

4. Carolyn B. et al., (2016) Simple new test could improve diagnosis of tuberculosis in developing nations. ACS Chemistry. 252nd National Meeting & Exposition of the American Chemical Society. https://www.acs.org/content/acs/en/pressroom/newsreleases/2016/august/simple-new-test-could-improve-diagnosis-of-tuberculosis-in-developing-nations.html, accessed 28.08.2016.

Category: