Mô hình MOOC và những điều cần biết  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

Cùng sự phát triển của Internet, các hình thức đào tạo ngày càng phong phú hơn, mang tới cho người học và người dạy nhiều lựa chọn để truyền bá và tiếp nhận tri thức. Sử dụng Internet như một cây cầu kết nối, giải pháp đào tạo trực tuyến cũng không ngừng chuyển mình từ đào tạo từ xa tới e-learning và hình thức phổ biến nhất hiện tại là MOOC. Hãy cùng VJS tìm hiểu những kiến thức cơ bản về những lớp học trực tuyến quy mô lớn này.  

Từ đào tạo từ xa đến MOOC

Khái niệm MOOCs (Massive Open Online Courses) có mối quan hệ chặt chẽ với distance learning (tạm dịch là đào tạo từ xa). Distance learning vốn bắt nguồn từ thế kỉ 19. Ở thời điểm đó, distance learning chỉ đơn thuần là gửi tài liệu học tập đến cho học viên thông qua đường bưu điện. Cùng với sự phát triển về công nghệ ở thế kỉ 20, lần lượt các hình thức bổ trợ cho đào tạo từ xa ra đời, như audio (thông qua radio, cassettes) hay truyền hình.

Những năm cuối thế kỉ 20, sự phát triển của Internet mang đến nhiều hướng tiếp cận mới cho distance learning. Giai đoạn này đánh dấu sự chuyển đổi từ mô hình distance learning truyền thống sang e-learning. Điểm khác biệt chính của e-learning so với distance learning là các nguồn tài liệu chủ yếu được phân phối qua các hệ thống mạng máy tính. Tuy nhiên, ở giai đoạn này các khóa học e-learning vẫn mang tính một chiều và thiếu sự tương tác với người học.

Do nhu cầu tương tác với người dùng tăng cao, Web 2.0 được phát triển và các hệ thống e-learning cũng đi theo xu hướng với việc thêm các tính năng như diễn đàn (forum), chat, hay các hệ thống quản lý học viên (LMS – Learning Management System). Nội dung và cách phân phối các nguồn tài nguyên học tập cũng dần trở nên đa dạng hơn, từ những video bài giảng được ghi lại từ các lớp học truyền thống cho đến các nguồn tài nguyên cho phép người dùng tải về.

Những nguồn tài nguyên trên chủ yếu được phân phối qua các platform phổ biến như MIT OpenCourseWare, iTunes, YouTube, Khan Academy hay webcast của các trường. Một số khác được phân phối dưới dạng các khóa học cấp tín chỉ (credit) như các chương trình Open Learning Initiative của Đại học Carnegie Mellon hay Stanford Engineering Everywhere. Ngoài ra còn có các trường như Open University cung cấp các chương trình học chính thống của họ dưới dạng đào tạo trực tuyến.

MOOC chỉ thực sự bùng nổ thành một trào lưu từ năm 2012 khi mà các platform lớn như Coursera, edX, Udacity hay FutureLearn được giới thiệu. Các platform này thường có điểm chung là được nhận sự hỗ trợ tích cực từ các trường đại học cũng như giới học thuật. Các tính năng như quản lý tiến độ khóa học, exam hay quản lý việc cấp chứng chỉ cũng được phát triển tốt hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người học. Hiện một số chương trình trên các platform này đã cho phép đổi ra tín chỉ tương đương ở các trường Đại học truyền thống.

Mô hình hoạt động của MOOC

Thuật ngữ MOOC (Massive Open Online Course) bắt nguồn từ năm 2008, nhưng phải đến 2011, MOOC mới bắt đầu gây chú ý với khóa học về trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) của giáo sư Sebastien Thrun và cộng sự Peter Novig ở Đại học Stanford. Nối tiếp thành công từ khóa học trên, ông đã cho ra đời start-up mang tên Udacity. Các platform lớn khác như Coursera (do Daphne Koller và Andrew Ng sáng lập) hay edX cũng lần lượt ra mắt không lâu sau đó.

Hình 1: MOOC và các thuật ngữ liên quan (Nguồn: Antenna)

Tương tự như đào tạo từ xa (distance learning), các khóa học MOOC được triển khai và cung cấp qua Internet. Một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt của MOOC so với các khóa đào tạo từ xa truyền thống là số lượng người đăng kí (subscriber) có thể lên đến hàng ngàn người học và thường không giới hạn hay ràng buộc về điều kiện tham dự cũng như phí đăng kí.

Bên cạnh việc cung cấp kiến thức đến cho học viên, các platform lớn về MOOC còn đặt mục tiêu làm cho các khóa học của họ được công nhận rộng rãi. Để giải quyết vấn đề trên, họ đã hợp tác với nhiều đối tác từ các trường Đại học cho đến các công ty, tổ chức lớn, có thể kể đến edX với các khóa học Professional Education [2] hay chương trình MicroMasters (học viên có thể quy đổi ra credit để học tiếp lên các chương trình bậc sau Đại học tương ứng ở các trường Đại học đối tác) [3], hoặc Coursera với các khóa học Specializations (học viên trả phí hàng tháng để truy cập vào các khóa học thuộc một chủ đề cụ thể) [4].

Ngoài ra một số trường Đại học cũng bắt đầu khai thác mô hình MOOC để tiếp cận nhiều sinh viên hơn cũng như cắt giảm chi phí đào tạo, trong đó đáng chú ý có sự kiện viện công nghệ Georgia (Georgia Institute of Technology) triển khai 2 chương trình đào tạo thạc sĩ trực tuyến (Online Master) về Computer Science (triển khai cùng với AT&T trên platform Udacity) và Analytics (hợp tác với edX) với chi phí thấp hơn đáng kể so với các chương trình đào tạo từ xa truyền thống [5]; hay The Open University, một trường vốn có thế mạnh về đào tạo từ xa, giới thiệu và triển khai platform FutureLearn vốn được xây dựng theo mô hình MOOC.


Hình 2: Chương trình MicroMasters của edX

Các mô hình hoạt động chính của MOOC bao gồm:

  • xMOOC (transmissive MOOC): Người dạy truyền đạt nội dung học tới học viên giống như ở các lớp học truyền thống.
  • cMOOC (connectivist MOOC): Người học đóng vai trò xây dựng nội dung khóa học cũng như tự quản lý tiến độ học tập của mình dựa trên những tài liệu được cung cấp sẵn.

Một số mô hình khác được phát triển dựa trên MOOC để mở rộng tính ứng dụng, bao gồm: SPOC (Small Private Online Course) hỗ trợ cho các lớp học truyền thống ở các trường Đại học hoặc SOOC (Small Open Online Course) dành cho các khóa học cần phân loại học viên dựa trên bài kiểm tra đầu vào.

Xây dựng và triển khai MOOC

Sự phát triển của mô hình MOOC đã mở ra nhiều hướng phát triển mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nhờ vào việc tận dụng Web để cung cấp các khóa học, MOOC giúp xóa bỏ những hạn chế về vị trí địa lý, từ đó các khóa học MOOC có thể tiếp cận được nhiều người học hơn. Với số lượng người học tăng lên, chi phí cũng được cắt giảm đáng kể. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, công ty và các trường Đại học còn tận dụng MOOC để quảng bá chất lượng đào tạo của mình thông qua các khóa học ngắn hạn trên các platform phổ biến như Coursera, edX, Udacity, FutureLearn.

Tuy nhiên, mô hình MOOC vẫn còn một số mặt hạn chế. Tính linh hoạt về mặt thời gian và địa điểm của MOOC mang lại nhiều lợi ích cho người học, nhưng nó cũng phần nào làm người học mất đi sự tập trung hoặc động lực cần thiết để hoàn tất khóa học. Kết quả là số lượng người theo dõi khóa học trên thực tế thường thấp hơn nhiều so với số lượng người đăng kí. Ngoài ra, MOOC vẫn chưa được công nhận giá trị rộng rãi như các khóa học truyền thống, mặc dù các nhà tổ chức MOOC và đối tác vẫn đang cố gắng cải thiện tình trạng này, điển hình như các chương trình Professional Education và MicroMasters của edX [2][3], hay OMS CS (Online Master of Science in Computer Science) của Udacity. [5]

Bên cạnh đó, các yêu cầu đối với MOOC về cơ bản có nhiều điểm khác biệt so với mô hình lớp học truyền thống:

  • Các vấn đề về kỹ thuật liên quan đến chất lượng video/audio của bài giảng hoặc tài liệu đi kèm cần được chú trọng hơn.
  • Đối với các lớp học truyền thống, trong nhiều trường hợp người dạy chỉ cung cấp trích dẫn hoặc danh sách tài liệu (reading list) cho người học. Trong khi đó, các khóa học MOOC phải cung cấp đầy đủ tài liệu đi kèm, bao gồm cả tài liệu tự biên soạn và tài liệu được phân phối trên Web dưới dạng học liệu mở (Open Educational Resources).
  • Các bài kiểm tra, bài tập đều được thực hiện và đánh giá online, do đó nội dung cũng cần được điều chỉnh sao cho phù hợp.
  • Yêu cầu về bản quyền đối với tài nguyên hỗ trợ việc học (bao gồm cả chú thích, trích dẫn, biểu đồ, hình minh họa) cũng được thắt chặt hơn.


Hình 3: Đánh giá kết quả khóa học được thực hiện online

Với những vấn đề kể trên, việc huy động đủ nguồn lực và hoạch định chiến lược cần thiết rất quan trọng trong việc xây dựng và triển khai MOOC, có thể kể đến:

  • Đội ngũ giảng dạy phải có khả năng trình bày tốt bên cạnh khả năng chuyên môn. Cùng với sự hỗ trợ từ đội ngũ kĩ thuật (platform, quay phim, thiết kế đồ họa, quản trị viên, kiểm thử, quản lý dự án…), đây là nguồn nhân lực chính quyết định chất lượng của MOOC. Ngoài ra do quá trình xây dựng nội dung khóa học và quay phim có thể tốn nhiều thời gian và công sức nên khả năng làm việc nhóm cũng như tính kiên nhẫn cũng là các tố chất cần thiết.
  • Đối tác xây dựng khóa học (platform, học thuật, công nghiệp…) cần phải được chọn lựa dựa trên nhiều yếu tố: chất lượng, danh tiếng, kinh nghiệm xây dựng MOOC…
  • Thời gian từ lúc công bố khóa học cho tới lúc chính thức triển khai cần được cân nhắc sao cho đảm bảo được thời gian chuẩn bị cho khóa học (giảm tối đa tình trạng dời ngày học) và đạt được số lượng học viên tham gia cần thiết (enrollment).
  • Nội dung khóa học nên được chia nhỏ để giúp người học thuận tiện hơn trong việc theo dõi. Thời lượng trung bình của mỗi video thường nằm trong khoảng 5 đến tối đa 15 phút.
  • Xem xét hình thức tổ chức khóa học theo session (tất cả người học tham gia theo một lịch trình cụ thể) hoặc self-paced (mỗi học viên tự quyết định tiến độ học tập của mình).
  • Để tăng cường tính tương tác của khóa học, một số khóa học cho phép người học tham gia xây dựng bằng cách thảo luận (discussion), đóng góp nội dung (bài luận, video, hình ảnh…). Với số lượng người học lớn, chiến lược này cũng góp phần trong quá trình xây dựng tri thức tập thể (collective knowledge construction).
  • Do không bị giới hạn về vị trí địa lý, MOOC thường hướng đến đối tượng người học trên phạm vi toàn cầu. Để đạt được mục tiêu trên, nội dung cũng như ngôn ngữ giảng dạy nên được xây dựng sao cho phù hợp. Các khóa học sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy thường thu hút nhiều học viên hơn so với các ngôn ngữ khác. Đối với các khóa học mang tính địa phương hóa hoặc có hướng tiếp cận các thị trường ngôn ngữ khác, các nhà tổ chức khóa học cần chú ý huy động và sử dụng nhân lực phù hợp cho việc xây dựng phụ đề hoặc biên dịch nội dung học.


Hình 4: Video bài giảng cho một MOOC trên edX

Kết

Với những lợi ích mang lại, mô hình MOOC có rất nhiều tiềm năng và sẽ có nhiều hướng phát triển mới trong tương lai. Tuy vậy, đây cũng không phải là mô hình công nghệ giáo dục duy nhất trên thị trường và bản thân nó cũng mang theo cả cơ hội lẫn thách thức.

References:

  1. Jean-Charles Pomerol & Yves Epelboin & Claire Thoury, MOOCs: Design, Use and Business Models, Wiley-ISTE, 2015.
  2. Mary Jo Madda, “Microsoft and edX Partner to Deliver Real-World Skill Learning”, EdSurge, 2015.
  3. Office of Digital Learning, “Thirteen universities adopt MicroMasters and launch 18 new programs via edX”, MIT News, 2016.
  4. Kuchler, Hannah, “Education start-up Coursera shifts to monthly subscriptions", Financial Times, 2016.
  5. Martha C. White, "The $7,000 Computer Science Degree - and the Future of Higher Education", Time, 2013.

Author: Thanh Pham (Grad student at TU Berlin & VGU)
Email: thanh.phaminh@gmail.com

Tag: