CÁCH VIẾT MỘT BÁO CÁO TÓM TẮT CHÍNH SÁCH TỪ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU  

Error message

Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in _menu_load_objects() (line 579 of /home/vjsonline/GIT/vjs/main_website/includes/menu.inc).

   Báo cáo tóm tắt chính sách là một công cụ trung gian giữa nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách. Nó giúp cho nhà nghiên cứu phổ biến kết quả nghiên cứu của mình đến với những người làm công tác chính sách, giúp thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và chính sách. Bài viết này chia sẻ cách viết một báo cáo tóm tắt chính sách đến với những nhà nghiên cứu hay những người muốn trở thành một chuyên viên cố vấn chính sách.

1. Tại sao nên viết báo cáo tóm tắt chính sách [policy brief]?

Nhu cầu kết nối giữa nghiên cứu và chính sách đối với các nước đang phát triển ngày càng trở nên cần thiết, trong đó có Việt Nam. WHO (2004) cho rằng nếu các luận cứ khoa học được sử dụng hiệu quả hơn trong công tác hoạch định chính sách, thì chúng có thể giúp cải thiện cuộc sống thông qua những chính sách khả thi, hiệu quả, phù hợp với những tiến bộ khoa học và kỹ thuật và đồng thời có thể sử dụng các nguồn tài nguyên, nhân lực hiệu quả hơn, làm thoả mãn nhu cầu của người dân nhiều hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách dường như sống ở hai thế giới hoàn toàn cách biệt nhau. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu có khuynh hướng chia thành 2 nhóm: những nhà nghiên cứu dấn thân vào các quá trình hoạch định chính sách, hay còn được gọi là “nhà khoa học công chúng”, những người này tin rằng các nhà nghiên cứu có thể và đôi khi cần phải giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những chính sách được dựa trên cứ liệu khoa học đúng đắn; và những nhà nghiên cứu “hoàn toàn khách quan”, tức những người tin rằng việc tham gia vào cuộc tranh cãi dân sự sẽ làm giảm tính khách quan của khoa học.

Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này cũng có nhiều lập luận xác đáng cho rằng khi nhà nghiên cứu thoái lùi quá xa trước những vấn đề xã hội thì họ sẽ để những khoảng trống cho các phe phái có động cơ chính trị nhảy vào và họ sẽ đưa ra những cách giải thích riêng để dẫn đắt công luận đi theo những mục tiêu riêng, nếu như không có sự đối lập đáng tin cậy. Dù bạn chọn cho mình hướng đi nào trong nghiên cứu đi nữa thì việc hiểu về một báo cáo tóm tắt chính sách và cách viết nó cũng rất hữu ích.

2. Định nghĩa, nội dung và hình thức của một báo cáo tóm tắt chính sách

Các báo cáo tóm tắt chính sách là những tài liệu trình bày ngắn gọn các phát hiện và ý kiến đề xuất của một dự án nghiên cứu với độc giả ngoài giới chuyên môn. Các báo cáo này thường được giới thiệu như là công cụ để truyền đạt kết quả nghiên cứu tới các nhà hoạch định chính sách. Mục đích của một báo cáo tóm tắt chính sách là thuyết phục những nhà hoạch định chính sách về tính “khẩn cấp” của vấn đề và trình bày các đề xuất hay gợi ý cho các lựa chọn và hành động thích hợp hơn.

Mỗi báo cáo tóm tắt chính sáchh có những hình thức và nội dung khác nhau do độc giả mục tiêu của nó khác nhau cũng như những đặc thù với hiện trạng của vấn đề và bối cảnh kinh tế-chính trị-xã hội khác nhau. Nhưng về cơ bản, nó bao gồm những nội dung sau:

2.1. Nhan đề của bản báo cáo

Không giống như nhan đề của một cuốn sách, hay một công trình nghiên cứu hay luận án và một bài nghiên cứu khoa học. Nhan đề của một bản báo cáo tóm tắt chính sách sẽ tập trung vào một vấn đề có luận cứ khoa học hướng đến chính sách với độc giả ngoài giới chuyên môn và làm công việc hoạch định chính sách. Vấn đề được đề cập trong một báo cáo tóm tắt chính sách thường rõ ràng, cụ thể, và nhắm đến một chính sách nào đó. Một công trình nghiên cứu có thể có nhiều kết quả, nhưng người nghiên cứu chỉ nên tập trung vào một vấn đề hoặc một khía cạnh của vấn đề để nhấn mạnh vào chứ không trình bày tất cả. Nhan đề của bản báo cáo phải làm sao thu hút sự chú ý của độc giả mục tiêu khiến họ phải đọc nội dung của bản báo cáo.

2.2. Tóm tắt nội dung báo cáo

Phần này chỉ chiếm khoảng 10% của toàn bộ nội dung bản báo cáo. Mục đích của phần tóm tắt phải làm sao cho độc giả mục tiêu nhìn thấy sự quan trọng và sự phù hợp của vấn đề được đề cập trong bản báo cáo tóm tắt hiện đang là mối bận tâm của họ. Nên nhớ rằng những nhà hoạch định chính sách thường có rất nhiều kênh để tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách và họ dành rất ít thời gian cho việc đọc báo cáo của bạn. Vì thế, không nên đưa quá nhiều chi tiết về nội dung, hãy để dành nó cho các phần sau. Phần tóm tắt nội dung báo cáo bao gồm: mô tả ngắn gọn về vấn đề được đề cập,  phát biểu ngắn về hiện trạng của vấn đề và lý giải tại sao cần phải thay đổi, mục đích cho những giải pháp mà chúng ta sẽ giải quyết cho vấn đề này. Giống y như một bài báo, lời tuyên bố về mục đích cần phải “câu” độc giả mục tiêu và đồng thời phần này phải cho biết sơ qua là báo cáo tóm tắt này sẽ có những nội dung hữu ích gì.

2.3. Bối cảnh và tầm quan trọng của vấn đề

Trong phần này, chúng ta sẽ cung cấp cho độc giả mục tiêu những sự kiện chính mà họ “cần phải biết” để hiểu về bối cảnh của vấn đề. Bối cảnh của vấn đề tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của quốc gia hay địa phương, nơi mà các nhà làm công tác chính sách hoạt động. Bởi vì, các nhà hoạch định chính sách không phải là một nhóm người đồng nhất. Họ có những nhu cầu, những ưu tiên và những cách sử dụng thông tin khác nhau tuỳ theo ngành, cấp chính quyền và vai trò của họ trong việc hoạch định chính sách. Không thể cung cấp bối cảnh của một vấn đề ở cấp quốc gia và khu vực cho một nhà hoạch định chính sách ở cấp địa phương do thẩm quyền của nhà hoạch định chính sách cũng như đặc điểm về kinh tế-chính trị-xã hội của mỗi địa phương khác nhau. Mục đích của phần này là thuyết phục độc giả mục tiêu về tính khẩn cấp của vấn đề và cần phải có những hành động tương tác phù hợp. Phần trình bày bối cảnh và tầm quan trọng của vấn đề gồm: vấn đề hay chủ đề cần tập trung, các nguyên nhân cơ bản của vấn đề, hàm ý chính sách cho vấn đề và sự cần thiết để thiết lập chính sách cho vấn đề này.

2.4. Phê phán những cách tiếp cận chính sách hiện hành

Mục đích của phần này là trình bày chi tiết các khuyết điểm của các cách tiếp cận chính sách hiện hành hay các lựa chọn chính sách đang được thực hiện và từ đó, minh hoạ cho cả nhu cầu thay đổi và cả những chỗ chính sách cần thay đổi. Để làm được điều đó, phê phán cách tiếp cận chính sách hiện hành thường bao gồm các phần sau: tổng quan ngắn về các cách tiếp cận hiện hành hay các chọn lựa chính sách đang thực hiện, đưa ra lập luận để minh chứng cho các sai lầm của cách tiếp cận hiện hành hay các chọn lựa chính sách được đề ra. Nếu vấn đề đang được bàn đến chưa có một chính sách nào đề cập đến thì chúng ta phải trình bày kết quả nghiên cứu và nêu lên tính cần thiết phải có chính sách cho vấn đề này cũng như lợi ích từ chính sách này mang lại.

2.5. Gợi ý và đề xuất

Mục đích của phần trình bày này là cung cấp một bản đề cương chi tiết và thuyết phục cho các giải pháp chính sách nhằm thay đổi hiện trạng. Có thể đạt được mục đích này bằng cách: phân ra từng bước tiến hành và giải pháp cụ thể cần phải thực hiện. Thường cũng nên bao gồm một đoạn kết thúc để nhắc lại tầm quan trọng của hành động. Giá trị của một báo cáo tóm tắt chính sách không chỉ được xem xét thông qua cách đưa bằng chứng cho thấy chất lượng báo cáo mà còn thông qua cách biến tri thức mới thành những thông điệp thích hợp với hoàn cảnh và thành kim chỉ nam cho các nhà hoạch định chính sách.

(Sự khác nhau giữa báo cáo kết quả nghiên cứu và báo cáo tóm tắt chính sách .Nguồn: Internet)

Vì bằng chứng khoa học chỉ là một trong nhiều nguồn tác động đến các quyết định về chính sách, nên các báo cáo phải thuyết phục độc giả mục tiêu tin vào tầm quan trọng của bằng chứng và các đề xuất mà nó đưa ra. Những người xét duyệt báo cáo tóm tắt chính sách tại các nước đang phát triển đều cho rằng các các báo cáo đã đưa quá nhiều thông tin trong khi thời gian thì có hạn. Vì vậy, các báo cáo cần phát triển một luận cứ hiệu quả vừa duy trì độ tin cậy của thông tin, vừa nêu bật tính phù hợp và cần kíp của nó đối với các vấn đề chính sách. Việc này đòi hỏi phải biến các kết quả nghiên cứu phức tạp và nhiều thuật ngữ chuyên môn thành những thông điệp rõ ràng và ngắn gọn khiến độc giả có thể lĩnh hội và nhớ dễ dàng.

2.6. Nguồn tài liệu tham khảo

Khác với các công trình nghiên cứu, nguồn tài liệu tham khảo trong các báo cáo tóm tắt là danh sách các tài liệu quan trọng nhất có liên quan trực tiếp đến vấn đề mà bản báo cáo muốn nói đến mà độc giả muốn tìm hiểu thêm có thể tìm đọc thông tin nguồn ở đây.

Một báo cáo tóm tắt chính sách thường bao gồm những nội dung trên. Khi thiết kế và trình bày một báo cáo tóm tắt chính sách, người viết có thể đặt tên các tiểu mục sao cho vừa phù hợp với kết quả nghiên cứu và vừa hấp dẫn độc giả mục tiêu làm cho họ dễ dàng nắm bắt nội dung. Các báo cáo phải làm sao thuyết phục và lôi cuốn độc giả bởi các lập luận, các đánh giá cũng như tính khả thi của các khuyến nghị. Hầu hết các báo cáo tóm tắt chính sách đều được truyền thông. Các bạn chỉ cần gõ policy brief hoặc báo cáo tóm tắt chính sách để tìm hiểu một báo cáo tóm tắt, trên thực tế, được viết như thế nào hay các bạn có thể tìm hiểu một cách hệ thống hơn bằng cách xem xét cách tổ chức và hoạt động của một tổ chức think-tank như Overseas Development Institute – Shaping Policy for Development, nhất là đọc các ấn bản phẩm của họ, trong đó có cả cách viết một báo cáo tóm tắt chính sách tại https://www.odi.org/publications.

(Nguồn: Internet)

3. Các bước cần thiết để viết một báo cáo tóm tắt chính sách

3.1. Xác định độc giả mục tiêu

Xác định độc giả mục tiêu chính là câu trả lời cho câu hỏi “Báo cáo tóm tắt chính sách này viết cho ai? Ai sẽ là người cần phải đọc báo cáo này?” Độc giả mục tiêu có thể là một cá nhân (chẳng hạn như bộ trưởng, bí thư tỉnh, thành) hay có thể là một tổ chức (chẳng hạn như sở giáo dục, cục an toàn thực phẩm). Sau khi xác định được độc giả mục tiêu, chúng ta phải tìm hiểu nhu cầu của họ đối với vấn đề mà chúng ta đang bàn là gì. Lưu ý rằng, các báo cáo tóm tắt chính sách phải luôn luôn đáp ứng được nhu cầu của độc giả mục tiêu này. Mọi khía cạnh phân tích, lập luận, trình bày trong một báo cáo tóm tắt chính sách (từ đưa thông điệp đến cách trình bày) đều phải tập trung vào việc thuyết phục độc giả mục tiêu.

3.2. Xác định mục tiêu của báo cáo và thông điệp bao trùm toàn bộ báo cáo

Mục tiêu của các báo cáo tóm tắt chính sách nhằm thuyết phục hay tác động đến độc giả mục tiêu để họ đưa ra những cách tiếp cận, lựa chọn chính sách và hành động thích hợp hơn cho vấn đề mà báo cáo này đề cập. Một bản báo cáo tóm tắt chính sách không nên lảng tránh việc đưa ra ý kiến và đánh giá về hệ quả tác động của chính sách. Tuy các nhà hoạch định chính sách coi trọng bằng chứng nghiên cứu, nhưng họ không chỉ muốn nhà nghiên cứu chỉ giới thiệu với kết quả nghiên cứu một cách đơn thuần. Thay vào đó, họ đánh giá cao ý kiến của nhà nghiên cứu về hệ quả tác động của các kết quả nghiên cứu đối với chính sách.

3.3. Đưa ra những đề xuất/ gợi ý cho chính sách

Các khuyến nghị, đề xuất phải được dựa trên các bằng chứng khoa học được nghiên cứu một cách cẩn trọng bằng các phương pháp khoa học. Nhưng các đề xuất, khuyến nghị này phải cho thấy tính lợi ích và tính khả thi. Cần lưu ý rằng, các khuyến nghị, đề xuất tốt không phải để cho một chính sách tốt nhất mà cho một chính sách có thể thực hiện được. Để làm được điều đó, các đề xuất, khuyến nghị cần phải lý giải tại sao vấn đề này quan trọng, tại sao phải cần thiết thực hiện vấn đề này và điều gì sẽ xảy ra khi các khuyến nghị này được thực hiện.

3.4. Xác định các đối tượng và tổ chức thực hiện các khuyến nghị

Đây là bước quan trọng để nhà nghiên cứu phân tích những mối quan tâm của các đối tượng và tổ chức sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các khuyến nghị này để đưa ra những đề xuất chính sách hợp lí và khả thi. Các khuyến nghị, đề xuất cho từng hành động cần nêu rõ ai sẽ có trách nhiệm phụ trách thực thi. Nên đưa ra các ý kiến, đề xuất mang tính khả thi và phù hợp với hoàn cảnh và gắn cụ thể với mỗi một giai đoạn trong chu trình chính sách. Những đề xuất này phải dựa cơ sở bằng chứng và phải cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết để phân biệt với những khả năng chọn lựa chính sách khác nhau

3.5. Xác định mối quan tâm của các bên có liên quan (sẽ chịu tác động nếu như chính sách được thực hiện)

Khi chúng ta xác định được các đối tượng và tổ chức thực hiện các khuyến nghị thì chúng ta cần phải phân tích đến mối quan tâm của các bên có liên quan, nhất là bên chịu tác động nếu chính sách được thực hiện. Mối quan tâm của họ là gì? Mối quan tâm nào của họ tương tự với mối quan tâm của độc giả mục tiêu? Mối quan tâm nào của họ khác với độc giả mục tiêu? Khác như thế nào? Đây là bước quan trọng cho cả phần bối cảnh và cho phần phê phán các cách tiếp cận chính sách, cũng như phần đề xuất chính sách. Không xác định được đối tượng tổ chức thực hiện và mối quan tâm của các bên có liên quan sẽ khiến cho bản báo cáo mơ hồ và không thể sử dụng được.

3.6. Tham vấn cách thực hiện

Ở bước này, nhà nghiên cứu giúp cho độc giả mục tiêu thuyết phục sự ủng hộ /đồng thuận của các bên tham gia trong công tác hoạch định chính sách để thực hiện các đề xuất của chúng ta. Trong khi các báo cáo tóm tắt nghiên cứu được coi là chú trọng đến  “khoa học” thì các báo cáo tóm tắt chính sách lại nhấn mạnh đến tính “tác nghiệp”. Vì các nhà hoạch định chính sách không xuất thân từ giới nghiên cứu, nên họ không am hiểu các quy trình nghiên cứu. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách không quan tâm đến trình tự phân tích để đưa ra các lập luận khoa học, nhưng họ quan tâm để biết quan điểm của các tác giả về vấn đề và tính thực tế và khả thi của các giải pháp.

3.7. Viết báo cáo tóm tắt chính sách

Khác với một báo cáo tóm tắt nghiên cứu, một báo cáo tóm tắt chính sách cần đơn giản, dễ hiểu, tránh dùng những thuật ngữ mang tính hàn lâm. Một báo cáo tóm tắt chính sách nên gói gọn từ 1.500 từ đến 4.000 từ. Trong các báo cáo tóm tắt chính sách, cần sử dụng các ngôn ngữ rõ ràng, tránh dùng những thuật ngữ, khái niệm khoa học gây khó khăn cho người đọc khi tiếp nhận thông tin. Về hình thức trình bày, chủ đề được bàn đến trong một báo cáo tóm tắt chính sách chỉ nên giới hạn vào một vấn đề cụ thể hoặc một khía cạnh của vấn đề mà thôi. Nên chia nhỏ nội dung thành các đề mục nhỏ để dẫn dắt người đọc đi theo mục đích của mình. Để tác động đến độc giả mục tiêu, báo cáo tóm tắt chính sách không những phải hấp dẫn về quan điểm mà còn phải bắt mắt. Nên sử dụng các câu trích dẫn, màu sắc, biểu bảng, đồ thị, hình ảnh…

Ngay cả khi nhà nghiên cứu đã có trong tay một bản báo cáo tóm tắt chính sách hoàn chỉnh thì quá trình truyền thông kết quả nghiên cứu chỉ mới bắt đầu. Để bản báo cáo tóm tắt chính sách đến với công chúng, đặc biệt độc giả mục tiêu, người nghiên cứu cần chú trọng và chủ động giải quyết sự căng thẳng về trao đổi thông tin ở giao điểm giữa nghiên cứu và chính sách, tính đến một chiến lược truyền thông bản báo cáo tóm tắt chính sách đến độc giả qua các kênh truyền thông phù hợp với họ. Cuối cùng, bên cạnh những nỗ lực truyền thông tri thức của nhà nghiên cứu thì các cơ quan chịu trách nhiệm về chính sách cũng cần tăng cường đối thoại với nhà nghiên cứu, phát triển các kênh, các quy trình trong thể chế để việc hoạch định chính sách ngày càng có sự tham khảo các bằng chứng nghiên cứu khoa học. 

Qua những gợi ý về cách viết một báo cáo tóm tắt chính sách ở bên trên, chúng ta có thể thấy rằng công việc này đòi hỏi nhiều năng lực và kỹ năng của nhà nghiên cứu, ngoài kiến thức chuyên môn liên quan đến vấn đề họ quan tâm, họ phải hiểu được nhu cầu của các độc giả làm công tác chính sách có liên quan, xác định được đối tượng tổ chức thực hiện và các mối quan tâm của họ. Quá trình này cho thấy sự dấn thân vào xã hội nhiều hơn của các nhà nghiên cứu. Nhưng rõ ràng các chính sách đúng đắn, khả thi và được dựa trên những luận cứ khoa học sẽ cải thiện được chất lượng cuộc sống chung cho tất cả chúng ta.

Tác giả: ThS. Vũ Thị Thu Thanh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ. Mời bạn đọc liên hệ với tác giả qua địa chỉ email “thuthanhvu@vjsonline.org”.

Tài liệu tham khảo

  1. Hong Kong University. Guidelines for Writing a Policy Brief. (xem tại  www.hku.hk/psychodp/P2/PSYC0036B/Tut1note.doc)
  2. Jones, N. and Walsh, C. 2008. Policy Briefs as a Communication Tool for Development Research. London: ODI(xem tại www.odi.org.uk)
  3. Richards. The Policy Options Brief. (xem tại www.gse.buffalo.edu/Fas/Jacobson/629/webnotes/policy_brief.htm)
  4. Prof. Tsai. Guidelines for Writing a Policy Brief. (xem tại jhunix.hcf.jhu.edu/~ktsai/policybrief.html  )
  5. Young, J. and Mendizabal, E. 2009. Help Researchers Become Policy Entrepreneurs. London: ODI (xem tại www.odi.org.uk)
  6. Young, E. and Quinn, L. The Policy Brief. (xem tại www.policy.hu/ipf/fel-pubs/samples/PolicyBrief-described.pdf)
  7. WHO. 2004. World Report on Knowledge for Better Health: Strengthening Health Systems. WHO: Geneva. (www.who.int/rpc/meetings/world_report_on_knowledge_for_better_health.pdf)
Category: